Thị trường lớn bị “bỏ ngỏ”
Trong công văn Chính phủ gửi đến các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dẫn thông tin để vượt qua giai đoạn khủng hoảng của cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm bao gồm các hoạt động dịch vụ, kinh doanh sẽ được trợ cấp từ 20h đêm đến 6h sáng hôm sau.
Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế của Trung Quốc. Điều này cho thấy, Chính phủ đã có sự quan tâm đối với việc khai thác tiềm năng kinh tế về đêm, hướng đến phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách du lịch.
Thật ra, đây cũng chính là vấn đề bao lâu nay ngành du lịch Việt còn vướng mắc. Nhìn sang các quốc gia có nền du lịch phát triển sẽ thấy Chi-ca-gô (Mỹ) với hàng loạt những hoạt động vui chơi, giải trí náo nhiệt về đêm; là Béc-lin (Đức) với những lễ hội âm nhạc, tiệc tùng đặc sắc thâu đêm; là Hồng Kông (Trung Quốc) với những quán bar, câu lạc bộ, chợ đêm, trung tâm mua sắm náo nhiệt…
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Viettravel, ở những đất nước này, sản phẩm du lịch ban ngày chỉ mang đến 30% nguồn thu, còn lại 70% là từ hoạt động du lịch ban đêm. Trong khi đó, chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam chủ yếu dành cho những dịch vụ thiết yếu như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan ban ngày. Đó là lý do khi số lượng du khách tới nước ta tăng mạnh nhưng doanh thu từ du lịch thì lại tăng chưa tương xứng. Nếu khai thác tốt, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm sẽ giúp tăng thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của du khách, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương; là “con gà đẻ trứng vàng”.
Trên một diễn đàn du lịch, ý kiến của thành viên Hoàng Thiên được nhiều người ủng hộ: “Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nước mình thúc đẩy ngành du lịch kiểu gì mà mới có 21-22h tối là đóng cửa thin thít. Người du lịch ngoài ngắm cảnh chụp hình ra họ còn tụ tập bar, vũ trường, thưởng thức đồ ăn đêm, chưa nói đến lệch múi giờ nên du khách nước ngoài không thể ngủ được sớm... Phải tạo điều kiện cho khách họ tiêu tiền khi đến nước mình mới đúng chứ”.
Hình ảnh “phố bia” sầm uất Tạ Hiện, phố đi bộ quanh Hồ Gươm, khung cảnh Nhà hát Lớn về đêm… từng được CNN Travel giới thiệu với nhiều thiện cảm, thể hiện sự quan tâm của khách du lịch đối với những mô hình du lịch hoạt động về ban đêm. Thời gian qua, bên cạnh các vũ trường, quán bar hoạt động vào thời điểm tối muộn, một số tỉnh, thành phố đã chú ý xây dựng các sản phẩm du lịch đêm như phố đi bộ đêm, những cửa hàng mở 24/24, những mô hình kinh doanh đêm... nhưng dấu ấn của kinh tế đêm ở ta thực sự vẫn còn mờ nhạt, các sản phẩm này nhìn chung còn na ná nhau, thiếu điểm nhấn nên phát triển manh mún, không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Phải bỏ tư duy thấy “khó quản” là cấm
Sở dĩ vấn đề phát triển kinh tế đêm còn gặp nhiều khó khăn là bởi nhiều vướng mắc về chính sách. “Cá nhân tôi đã từng đề xuất khai thác dịch vụ du lịch về đêm nhưng do nhiều nguyên nhân nên ngành du lịch vẫn khó có thể triển khai áp dụng. Chẳng hạn nhiều nơi hiện không cho phép kinh doanh quá 12 giờ đêm thì làm sao ngành du lịch có các sản phẩm vui chơi giải trí để khai thác được. Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành địa phương học tập Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế ban đêm nhưng điều quan trọng vẫn phải là chính sách của chúng ta về vấn đề này cần thay đổi”, GS-TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch VN chia sẻ quan điểm.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, muốn khai thác tốt dòng sản phẩm này, ngành du lịch cần xây dựng đề án tổng thể phát triển du lịch đêm trên cơ sở nghiên cứu, khai thác tiềm năng cảnh quan, văn hóa riêng của từng địa phương để xây dựng những sản phẩm mang tính đặc thù.
Bà Đỗ Bắc- Giám đốc Công ty du lịch Moontravel cho rằng: “Cần thiết lập chính sách riêng kết hợp liên ngành để quản lý chặt chẽ sản phẩm du lịch đêm. Tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn về ma túy và mại dâm sẽ dễ phát sinh. Vì vậy, cần phải tạo hành lang pháp lý thật chuẩn về kinh tế ban đêm.
Phát triển hoạt động dịch vụ gì, thời gian, khu vực, người tham gia… phải đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu dân cư, bệnh viện, trường học… để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đồng thời vận hành các hệ thống đi kèm như giao thông công cộng, hệ thống ca-mê-ra, lực lượng trực an ninh…”.
Các chuyên gia cũng cho rằng trước mắt nên áp dụng thí điểm việc phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm ở một số tỉnh, thành phố là trọng điểm du lịch, đánh giá tác động và rút kinh nghiệm trong quản lý; tránh triển khai đại trà, tràn lan dẫn tới hoạt động không hiệu quả.