Tôi đôi lần cùng đi họp, đi dã ngoại, rồi cùng làm việc với nhà thơ Vũ Quần Phương nhiều năm, nên cũng có khá nhiều kỷ niệm với nhà thơ. Nhất là trong các chuyến đi, nếu phải cuốc bộ, tôi thường chọn đi cùng Vũ Quần Phương, vì anh nói chuyện rất bất ngờ, hóm hỉnh làm quãng đường xa, chân đỡ mỏi, vì cười. Năm 2010, hội thảo thơ quốc tế tại Tuần Châu xong, hàng trăm đại biểu cùng leo lên núi cao Hoa Yên của chùa Yên Tử, tôi và Vũ Quần Phương cùng đi, chuyện phiếm cho vui. Tôi tán láo:
- Trước đây khoảng chục năm, mình không bao giờ chơi với những chàng đang có vợ, vì thấy ghê. “Nó” đi chơi, tán như ranh với mình, tối về len lét trước vợ, rồi cầm chân cầm tay, thấy kinh! Nhưng mấy năm gần đây, già rồi, mình nghĩ, có khi chơi với mấy lão có vợ lại hay. Nếu nó ốm đã có vợ săn sóc, nó đói có vợ nấu cơm, quần áo bẩn có vợ giặt… Chỉ khi nào khỏe mạnh, vui vẻ, tươi cười, nó mới mời mình đi xem, đi dã ngoại, cà phê… Ông thấy thế nào?
Nhà thơ làm mặt nghiêm: “Hay, nếu nó chết, bà không phải khóc lóc, thờ cúng, giỗ tết nữa chứ!...”. Chúng tôi phá ra cười.
Lần khác, ở hội nghị những người viết trẻ họp ở Tuyên Quang, được mời lên phát biểu với các em, tôi thật thà tâm sự:
- Chồng cô mất cách đây hơn 30 năm rồi, từ đó đến nay cô vẫn viết báo, làm thơ một mình nuôi con gái nhỏ, giờ cháu đã đi làm. Cô nghĩ, muốn sáng tác, trước tiên chúng ta phải sống như người bình thường, đừng bao giờ nghĩ nhà văn là phải khác thường, lập dị, sang chảnh hơn người. (Các em vỗ tay).
Nhà thơ Chế Lan Viên khuyên Vũ Quần Phương nên bỏ nghề y, về làm việc tại Hội nhà văn… anh suy nghĩ mãi, cuối cùng cũng bị văn chương hấp dẫn.
Tôi nói vui thêm trước khi đi xuống: - Cô cứ nghĩ đáng lẽ cô phải được danh hiệu cổ điển ngày xưa là Tiết Hạnh Khả Phong ý! Trong khi các em vỗ tay ầm ầm, tôi thấy nhà thơ Vũ Quần Phương cười rất to. Lúc giải lao, tôi hỏi: “Sao bác lại cười khi tôi nhắc đến tiết hạnh khả phong?”. Nhà thơ nháy mắt: “Thì tôi cứ nghĩ liều là từ hồi chồng bà mất đến giờ, ít nhất bà cũng mê một, hai thằng rồi, đời nào lại được Tiết Hạnh Khả Phong!”. Tôi cáu quá, nói liều: “Tôi có yêu mấy thằng mà không có thằng VQP thì vẫn là trong sáng nhá!”. Vậy mà anh không hề giận, vẫn vui vẻ: “Đúng là đàn bà”.
Đại loại vậy, nhà thơ đôi khi rất rộng lượng, coi tôi như trẻ con, không thèm chấp. Hôm chúng tôi cùng ngồi ô tô ra Quảng Ninh, dự hội thảo thơ quốc tế lần thứ 2 ở Việt Nam - năm 2015. Trên xe rất đông, các bạn nhường tôi ngồi cạnh nhà thơ, và nói: “Để chúng em hóng chuyện của hai vị (!)”. Quả thật, hôm ấy, vì đường xa, tôi đã nghe Vũ Quần Phương kể nhiều về tuổi thơ của anh, mà đầu tiên chỉ là vì tôi nhắc đến làng Yên Phụ. Anh cười: “Yên Phụ cũng gắn với tôi từ bé. Bà biết không, bố mất khi tôi mới 6 tuổi, mẹ tôi quê ở Từ Liêm, Hà Nội, mang chúng tôi về quê ngoại, thuê nhà trọ trong làng Yên Phụ của bà. Mẹ làm thợ thiếc, nuôi chúng tôi ăn học vất vả lắm, nên từ bé tôi đã sống rất tằn tiện”.
Nghe nhà thơ nói vậy, tôi lại nhớ một lần chúng tôi họp ở Quảng Bá, mọi người đến, chờ mãi mới thấy Vũ Quần Phương. Anh thanh minh: “Thông cảm nhé, tớ đi xe bus, phải chuyển mấy tuyến mới lên tới đây!”. Có người kêu: “Trời ơi! Tiền ném đổ tường mà đi xe bus. Sao bác không đi taxi cho nhanh?”. Nhà thơ lại cười hiền: “Xe bus chuyển mấy lần cũng chưa hết 20 ngàn, còn taxi, từ Định Công lên đây cả đi cả về, có mà 300 ngàn là ít! Thôi, họp đi”. Chúng tôi lắc đầu nhìn nhau, vì ai cũng biết vợ chồng anh có con trai là giáo sư toán học nổi tiếng Vũ Đình Văn đang ở Mỹ dạy trường đại học Yale danh tiếng, cháu thứ hai - Vũ Thanh Điềm cũng đang ở Canada, là chuyên gia công ty Google. Nghe nói năm nào các cháu cũng đón bố mẹ sang ăn tết và hàng tháng đều gửi tiền về để bố mẹ tiêu. Đó là chưa kể anh chị còn có nhà cho thuê ở Hà Nội, và hiện đang sống ở biệt thự đẹp ở Định Công. Hôm ấy tôi đã cười thầm tính tiết kiệm hơi quá của anh. Nhưng lần này, nghe anh kể, tôi mới hiểu và thêm kính trọng nếp nhà của mẹ góa con côi từ khi anh lên 6.
Vũ Quần Phương trọ học ở Hà Nội, vô cùng thương mẹ nên học rất chăm. Anh giỏi các môn tự nhiên, và theo lời khuyên của mẹ, anh đã thi vào ĐH Y, 6 năm liền được học bổng toàn phần. (Dạo đó Hà Nội có câu ca: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”). Nhưng ở phổ thông, anh còn được học các thày giỏi văn và nhớ mãi những giờ giảng rất hấp dẫn của các thày Hoài Việt, Nguyễn Xuân Huy, Đoàn Nồng… Những năm trọ học, xa mẹ, xa anh em, Vũ Quần Phương luôn nhớ nhà, thấy tủi thân vì cô đơn, lẻ loi. Và bên cạnh việc chăm chỉ học các môn tự nhiên, anh còn say mê đọc sách, thấy sách đúng là người bạn tri kỉ của mình. Tốt nghiệp ĐH Y, Vũ Quần Phương là sinh viên duy nhất của khóa học có 300 sinh viên được ở lại làm việc tại Bộ Y tế. Nhưng anh cũng bắt đầu làm thơ và có thơ thường xuyên đăng trên tạp chí Sức Mới của Hà Nội lúc đó rất nổi tiếng. Nhà thơ Chế Lan Viên khuyên anh nên bỏ nghề y, về làm việc tại Hội nhà văn… Vũ Quần Phương suy nghĩ mãi, cuối cùng cũng bị văn chương hấp dẫn, ra làm tại ban Tiếng Thơ của Đài tiếng nói Việt Nam, rồi NXB Văn học, rồi Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Nội, Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam… Anh đã thành danh, là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà phê bình văn học xuất sắc, một người cha có các con trưởng thành, làm rạng danh gia đình và đất nước. Bài thơ “Áo đỏ” của anh rất nổi tiếng, đôi khi đi trên đường xa, tôi trêu:
- Bác có biết bọn trẻ cải biên thơ bác thế nào không: “Váy ngắn em đi giữa phố đông/Hỏi rằng anh có thấy gì không?/ Mỗi lần váy cuốn theo chiều gió/Anh thấy hình như…”. Cả xe phá ra cười. Và Vũ Quần Phương cũng lém lỉnh ngắt lời: “Để tớ đọc các cậu nghe câu đối sẽ dán ở hai cánh cổng hội ta: “Em ngồi tôm cá bày ra hết/Anh đứng thành tro em biết không?”, thơ cải biên của Quang Huy đó”. Lúc đó anh đang làm Chủ tịch, còn tôi là Phó của Hội liên hiệp VHNT Hà Nội. Câu “bao nhiêu tôm cá bày ra cả” trong bài “Chợ cá Hội An” của tôi và câu cuối trong bài thơ “Áo Đỏ” của anh bị trêu đùa tếu táo như vậy, để cười!
Nhà thơ Vũ Quần Phương (trái) và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.
Kỷ niệm nữa của tôi với Vũ Quần Phương, một lần Hội nhà văn Hà Nội lên Khoang Xanh (Hà Tây cũ), buổi chiều bơi lội, buổi tối hội họp, đọc thơ. Vũ Quần Phương trịnh trọng nói, anh đọc hộ nhạc sỹ Dân Huyền bài thơ vừa ứng tác khi thấy Phan Thị Thanh Nhàn bơi… như cá: “Em là bài thơ trên nước xanh/Tay vung khỏe khoắn, bắp chân thanh/Bài thơ săn chắc và tươi tắn/Anh chỉ nhìn theo cũng bập bềnh”. Tôi quay sang hỏi Dân Huyền: “Thơ của bác thật không?”. Nhạc sỹ quay sang tôi: “Tớ có phải không biết đọc đâu mà nhờ nhỉ?”… Vậy là đêm ấy tôi làm ngay bài thơ tặng Vũ Quần Phương và đã đăng báo nhiều lần, có thể là anh cũng chưa biết, vì tôi không có thói quen đề tặng.
Năm 2007, tôi và Vũ Quần Phương cùng được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Thơ của anh được nhiều người yêu thích, thuộc nằm lòng, nhất là bài “Áo Đỏ” và “Đợi”. Tôi rất thích khổ cuối trong bài thơ “Đợi” đã được nhạc sỹ Huy Thục phổ nhạc rất hay: “Anh đứng trên cầu đợi em/Đứng một ngày đất lạ thành quen/Đứng một đời em quen thành lạ/Nước chảy, kìa em, anh đợi em…”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có lần nói, thơ Vũ Quần Phương chính xác quá, lí trí quá nhưng thật uyên bác và thấm đẫm tình người. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì cho rằng, Vũ Quần Phương là Ông Hoàng của Thơ Cung Đình (!). Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thơ Vũ Quần Phương rất tình cảm và có sức hấp dẫn riêng. Còn tôi, thỉnh thoảng chuyện phiếm với anh, tôi thấy Vũ Quần Phương thật hóm hỉnh, tinh tế. Anh sắc sảo cả trong đời và trong thơ, nhưng anh cũng thật hiền hậu, chi chút và rộng lượng với bạn bè.
29/5/2015
Gửi bạn
(Phan Thị Thanh Nhàn tặng Vũ Quần Phương)
Tìm đâu được người thông minh như bạn
Nói rất dài mà tất cả im nghe
Tiếng xoa xuýt vì hay, tiếng cười to vì hóm
Tiếng vỗ tay rào rào như thể bị bùa mê
Mà người nói mặt lạnh tanh bình thản
Trán hằn sâu bao suy nghĩ nhọc nhằn
Ơi gương mặt một thời trong sáng
Ai hẹp hòi ghi lại bấy đường nhăn?
Có thể bạn cũng yêu tôi chút ít
Nhưng ghét tôi chắc đã nhiều hơn
Tất cả qua rồi, chỉ tình thân còn lại
Dẫu chưa một lần tôi nói: Cảm ơn!