Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ Kurt Campbell. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến do Viện Hoà bình quốc tế Carnegie tổ chức, ông Campbell nói rằng Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng Mỹ cần công cụ để định hình sự can dự về kinh tế và thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khi ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng.
“Đó là khu vực nơi Mỹ thực sự cần đẩy mạnh cuộc chơi”, ông Campbell nói, đồng thời khẳng định vai trò của Mỹ cần vượt ra khỏi thương mại truyền thống để bao gồm cả hợp tác về kỹ thuật số và thiết lập tiêu chuẩn công nghệ.
“Chúng tôi phải rất rõ ràng rằng chúng tôi không chỉ tham gia sâu về ngoại giao, quân sự, một cách toàn diện, một cách chiến lược, mà chúng tôi có một cách tiếp cận cởi mở và lạc quan về những tương tác thương mại, đầu tư ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Campbell nói.
“Tôi nghĩ chúng tôi hiểu rõ chính quyền Biden trong năm 2022 sẽ tập trung tham gia toàn diện vào khu vực”, ông Campbell cho biết, nhưng không nói cụ thể.
Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden nỗ lực tập hợp lực lượng với các đồng minh và đối tác để đối phó với những hành vi mà Washington gọi là sự chèn ép về quân sự và kinh tế mà Bắc Kinh thực hiện.
Washington đang đề cao AUKUS, thoả thuận mà Mỹ lập ra với Anh và Úc để giúp Úc sắm đội tàu ngầm hạt nhân, cũng như tăng cường quan hệ với nhóm Bộ tứ, khiến Trung Quốc khó chịu.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phải phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc cho rằng Mỹ đang thiếu sự tham gia về kinh tế, nhất là sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp định thương mại TPP - phiên bản cũ của CPTPP.
Tháng 10 năm ngoái, ông Biden nói với các lãnh đạo châu Á rằng Washington sẽ xúc tiến bàn bạc để tạo ra một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng chưa có mấy thông tin cụ thể được đưa ra, và chính quyền Mỹ đang tránh quay lại với những thoả thuận thương mại mà phe chỉ trích cho rằng sẽ đe doạ việc làm của người Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc đang vận động để được tham gia CPTPP, và một thoả thuận khác của Trung Quốc với khu vực là RCEP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua.