Dựa vào cộng đồng để thích ứng biến đổi khí hậu tại Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước các tác động của biến đổi khí hậu, việc cải tiến mô hình sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới sẽ giúp nông dân chống chịu tốt hơn trước sự thay đổi của tự nhiên, bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, bền vững.

Để giúp người nông dân chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tăng trưởng xanh, bền vững, thời gian qua, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Viện DRAGON-Mekong, Trường Đại học Cần Thơ) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giúp nông dân Cà Mau chuyển đổi canh tác.

Để rõ hơn về các hoạt động chuyển đổi sản xuất theo mô hình mới, thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất xanh và bền vững, chúng tôi có trao đổi với TS. Lê Trần Thanh Liêm - cán bộ điều phối Đề tài Thích ứng Biến đổi khí hậu tại Cà Mau.

Dựa vào cộng đồng để thích ứng biến đổi khí hậu tại Cà Mau ảnh 1

TS. Lê Trần Thanh Liêm - Cán bộ điều phối Đề tài Thích ứng Biến đổi khí hậu tại Cà Mau

- Thưa ông, đề tài thích ứng biến đổi khí hậu tại Cà Mau được Trường Đại học Cần Thơ triển khai như thế nào?.

TS. Lê Trần Thanh Liêm: Trong khuôn khổ dự án “Thích ứng Biến đổi Khí hậu ở Cà Mau”, Viện DRAGON-Mekong đã tiến hành các cuộc họp tham vấn với các sở ngành của tỉnh Cà Mau, trực tiếp tiếp xúc với cộng đồng để xác định những thách thức chính trong canh tác. Trên cơ sở mong muốn của người dân xã Trí Phải và xã Tân Lộc (huyện Thới Bình), Viện DRAGON-Mekong đã trao tặng 20 thiết bị quan trắc môi trường nước cho hai hợp tác xã.

Những thiết bị này cho phép các thành viên hợp tác xã đo các thông số chất lượng nước quan trọng như độ mặn, pH, nhiệt độ, độ dẫn điện (EC) và tổng chất rắn hòa tan (TDS), hỗ trợ việc ra quyết định chính xác trong mô hình sản xuất lúa - tôm tại địa phương. Bên cạnh đó, khóa tập huấn giúp nông dân thuộc 2 xã ở Cà Mau cập nhật kiến thức và kỹ thuật canh tác thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn.

- Hoạt động của đề tài trong thời gian qua ra sao?.

TS. Lê Trần Thanh Liêm: Hiện, Đề tài đã gần kết thúc giai đoạn 1. Trong thời gian còn lại, Ban Quản lý đề tài sẽ hoàn thiện các báo cáo, tài liệu về các giải pháp kỹ thuật để nhân rộng mô hình trong tương lai. Bên cạnh đó, Ban Quản lý đề tài cũng đang xúc tiến các hồ sơ để xin tài trợ thực hiện giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, việc phát triển các mô hình tuần hoàn, tái sử dụng các nguồn chất thải hữu cơ, phát triển các giải pháp sinh học (sử dụng vi sinh vật bản địa) để hướng đến nền sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn ở địa phương. Giải pháp này vừa giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, vừa tạo dinh dưỡng cho đất.

- Kết quả đạt được sau gần 1 năm triển khai dự án ra sao, thưa ông?

TS. Lê Trần Thanh Liêm: Các hoạt động của đề tài đã được địa phương, cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao. Trong thời gian qua, 20 thiết bị phân tích nhanh chất lượng nước mặt đã được trao tặng. Từ đây, 2 cộng đồng “Quan trắc và Thích ứng” đã được hình thành. Mỗi cộng đồng bao gồm 30 thành viên tích cực chia sẻ quyền sử dụng các thiết bị này cũng như kết quả đo được cho các nông dân khác trong các nhóm công khai trên mạng xã hội.

Song song đó, dự án cũng tạo được trang chia sẻ thông tin quan trắc chất lượng nước mặt dựa trên sự kết nối dữ liệu quan trắc của Sở NN&PTNT Cà Mau, dữ liệu quan trắc được từ 2 cộng đồng bao gồm 10 điểm tại xã Trí Phải và 10 điểm tại xã Tân Lộc.

Dựa vào cộng đồng để thích ứng biến đổi khí hậu tại Cà Mau ảnh 2

Tham quan thực tế mô hình trình diễn về ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, xơ dừa và rác thải hữu cơ của nông dân.

Với nông dân, các khóa tập huấn hướng tới nâng cao kiến thức của cộng đồng về tầm quan trọng và thách thức trong sử dụng tài nguyên nước trong canh tác nông nghiệp; cách khai thác dữ liệu phục vụ sản xuất; kỹ thuật và thực hành ủ phân hữu cơ từ phụ phế phẩm nông nghiệp, sản xuất chế phẩm sinh học từ vi sinh vật bản địa; giải pháp phát triển mô hình canh tác lúa – tôm hữu cơ.

Ngoài ra, đề tài đã tổ chức cho 30 nông dân tham quan thực tế ở các mô hình canh tác hiệu quả theo hướng hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu trên tại tỉnh Kiên Giang. Những kinh nghiệm học tập được sẽ được chia sẻ cho các thành viên trong “Cộng đồng Quan trắc và Thích ứng” cũng như nông dân trên địa bàn 2 xã ở Cà Mau.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Khán giả phản hồi sau loạt sự cố show Anh trai
Khán giả phản hồi sau loạt sự cố show Anh trai
TPO - Sau concert tối 7/12 show "Anh trai say hi", BTC lên tiếng xin lỗi khi để xảy ra nhiều sự cố như cảnh tượng pháo hoa bay thẳng xuống khu vực khán đài, fan ngất xỉu, tranh cãi đồ ăn phục vụ khu VIP... Đến đêm diễn 9/12, lượng người đến vẫn rất đông, nhiều khán giả nêu quan điểm với Tiền Phong về những sự cố.