Ban Pháp chế VCCI dẫn kết quả PCI năm 2023 cho thấy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 8 tỉnh, thành phố nằm trong top 30 cả nước có chất lượng điều hành tốt nhất và là khu vực có điểm số PCI 2023 cao thứ 3 cả nước.
Các doanh nghiệp đánh giá cao các tỉnh, thành trong khu vực về thiết chế pháp lý, sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền, cũng như gia nhập thị trường, cải cách hành chính, tiếp cận đất đai; gánh nặng chi phí không chính thức thấp nhất so với các khu vực khác. Ban Pháp chế VCCI khuyến nghị các địa phương cần đẩy mạnh các chương trình, dịch vụ hỗ trợ, nâng cao chất lượng lao động.
Bên cạnh đó, khảo sát do VCCI triển khai trong năm 2023 cho thấy, có tới hơn 72% doanh nghiệp ở ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu; đây là con số cao nhất trong các khu vực trên cả nước.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết. Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL không nằm ngoài xu hướng này. Do đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh đồng thời với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, chủ trương của tỉnh thực hiện “kinh tế tuần hoàn” để thúc đẩy “tăng trưởng xanh”. Tỉnh đang tập trung chuyển đổi sản xuất đối với ngành hàng chủ lực như lúa gạo, cá tra, sen, xoài và hoa kiểng, nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nông thôn.
Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị môi trường, thúc đẩy thực hành xanh, cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển an toàn, bền vững trong sản xuất và tiêu dùng trước sự biến đổi thất thường của khí hậu toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do sản xuất, chế biến và tiêu dùng ngày càng nghiêm trọng.