Ném mạ hay còn gọi là lúa thảy thay cho lúa cấy đang chứng tỏ được ưu thế và được người dân vùng sản xuất lúa - tôm huyện Thới Bình (Cà Mau) ưa chuộng. |
Kỹ thuật ném mạ này trên đất nuôi tôm có ưu điểm vừa nhàn, vừa nhanh và lại giúp cây lúa phát triển tốt trên vùng đất phèn mặn. |
Từ khoảng tháng 7 - 8 (âm lịch), các cánh đồng lúa - tôm ở huyện Thới Bình sẽ nhộn nhịp tiếng cười nói rôm rả của những người nông dân nhổ mạ hay các “thợ” ném lúa cho kịp thời vụ. |
Ông Nguyễn Văn Tươi (50 tuổi, ấp 9, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) cho biết, bà con tận dụng bờ vuông gieo mạ được khoảng 25 ngày tuổi rồi nhổ rải đều xuống vuông tôm để cho nhân công tiến hành ném. |
Theo ông Tươi, sau khi nhổ mạ, nông dân không nên ném liền mà để mạ từ 2 đến 3 đêm dưới ruộng cho ra rễ trắng mới ném. Mạ phải ném với khoảng cách khoảng 20cm. |
Chị Châu Lệ Huyền có kinh nghiệm hơn 10 năm làm công việc ném lúa mướn. Theo chị, mỗi người bình thường có thể ném được 2 công đất, thu nhập từ 300.000 – 500.000 đồng/ngày. |
“Ném lúa theo kiểu này thấy khỏe hơn, không bị đau lưng như cấy lúa. Thay vì phải khom lưng, nhúng tay xuống ruộng để cấy lúa thì người nông dân chỉ cần chia nhỏ từng tép mạ ném xuống ruộng”, chị Huyền chia sẻ. |
Theo một số lão nông, ném mạ có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với cấy như: Nhổ mạ đưa ra đồng dễ dàng hơn do không cần phải làm sạch đất chân mạ, đặc biệt là cây lúa sẽ phát triển tốt sau khi ném mà không phải qua giai đoạn lúa lột (tách) mình như công đoạn cấy. |
Ông Tươi bơi xuồng đi kiểm tra mạ có bị nổi lên mặt nước hay không. |
Chủ vuông tôm tận dụng mạ còn sót lại ném cặp bờ vuông. |
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Thới Bình duy trì ổn định khoảng 25.000ha lúa – tôm, trong đó bà con nông dân đều áp dụng hình thức ném mạ chiếm gần 50% tổng diện tích lúa - tôm của toàn huyện. |