Đưa vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thông qua Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn hỗ trợ thúc đẩy mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm được chế biến từ vải thiều ra thị trường quốc tế mới.
Đưa vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới ảnh 1
Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền thông. Ảnh: Viết Hà

Ngày 16/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tổ chức Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”. Tại sự kiện, triển lãm số, gian hàng số “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” cũng được khai trương.

Phát biểu tại Diễn đàn ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm nông nghiệp mang bản sắc đặc trưng riêng của các tiểu vùng sinh thái. Trong đó, vải thiều là loại quả nhiệt đới được người dân Việt Nam và khách quốc tế ưa thích.

Sản phẩm vải thiều không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới với đa dạng phương thức bán hàng, từ kênh bán hàng truyền thống, bán hàng hiện đại đến các kênh thương mại điện tử, góp một phần không nhỏ vào thành công chung của bức tranh xuất khẩu nông sản” – ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đưa vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới ảnh 2

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, hợp tác xã trồng vải, các doanh nghiệp xuất khẩu vải tham gia tọa đàm. Ảnh: Viết Hà

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo là được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Để tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế cho trái vải thiều, thông qua Diễn đàn và Triển lãm số, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn hỗ trợ thúc đẩy mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vải và các sản phẩm được chế biến từ vải thiều ra thị trường quốc tế mới, thúc đẩy người Việt Nam ở nước ngoài ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tại Diễn đàn, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, hợp tác xã trồng vải, các doanh nghiệp xuất khẩu vải và hai địa phương Hải Dương, Bắc Giang đã thảo luận về quy trình trồng trọt và chăm sóc vải thiều ngon và sạch, phát triển thị trường tiêu thụ vải thiều. Các diễn giả tập trung vào các vấn đề chính là việc đáp ứng tiêu chuẩn vải thiều vào các thị trường và các giải pháp mở rộng thị trường và tăng sản lượng xuất khẩu vải thiều…

Đưa vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới ảnh 3
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Viết Hà

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn. Trong đó, 100% diện tích trồng vải được định hướng theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Tại đây, ông Quân đưa ra thông điệp “Sẵn sàng, đảm bảo chất lượng đưa vải thiều Việt Nam ra thế giới” và con đường phát triển bền vững của vải thiều Hải Dương. Đồng thời, ông nhấn mạnh về các giải pháp nâng cao chất lượng trái vải thiều, thúc đẩy quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều.

Đưa vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới ảnh 4

Các đại biểu khai trương Triển lãm số, gian hàng số “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”. Ảnh: Viết Hà

Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là vùng sản xuất vải thiều lớn với diện tích trên 28.300ha, sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 180.000 tấn. Để tiêu thụ quảng bá trái vải thiều, địa phương thực hiện mô hình cả bộ máy chính quyền cùng hợp lực để tiêu thụ vải thiều cho người nông dân, vừa đảm bảo chất lượng quả vải đáp ứng tốt tiêu chí của nước nhập khẩu. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu quả vải của tỉnh mình đến với người tiêu dùng quốc tế.

MỚI - NÓNG