Đưa thủ phủ 'cõi âm' và làng nghề sơn mài vào tour cho khách quốc tế

Làng nghề vàng mã Phúc Am và sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái (Thường Tín, Hà Nội) đang được Sở Du lịch Hà Nội cùng các đơn vị lữ hành xúc tiến xây dựng sản phẩm tour di sản văn hóa nhằm phục vụ khách quốc tế.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, chỉ mất 30 phút chạy xe, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) có hai làng nghề nổi tiếng, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử. Đó là làng nghề vàng mã Phúc Am, vốn được mệnh danh “thủ phủ cõi âm” và làng nghề sơn mài Hạ Thái.

Nâng tầm giá trị cốt lõi

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam - cho hay, Phúc Am là làng nổi tiếng với việc sản xuất vàng mã và đồ lễ gắn liền với văn hóa tâm linh và tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, đặc biệt chất lượng hàng mã đẹp và tinh xảo phục vụ cho thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể bởi UNESCO năm 2016).

Đây là một trong những làng nghề sản xuất vàng mã lớn nhất miền Bắc. Vàng mã Phúc Am đã đạt đến độ tinh xảo, sản xuất với số lượng lớn, được vận chuyển đi khắp miền Bắc, miền Trung và vào tận miền Nam. Sản phẩm mang tín ngưỡng dân gian, được làm hoàn toàn thủ công. Tất cả đều thân thiện với môi trường.

Đưa thủ phủ 'cõi âm' và làng nghề sơn mài vào tour cho khách quốc tế ảnh 1

Làng Phúc Am trước đây làm nghề đan giỏ, thúng, mẹt,... nay chuyển sang làm vàng mã với số lượng lớn, vận chuyển bằng đường biển vào tận các tỉnh phía Nam. Ảnh: Ngọc Hà

Đưa thủ phủ 'cõi âm' và làng nghề sơn mài vào tour cho khách quốc tế ảnh 2
Phúc Am nay là một trong những thủ phủ vàng mã của miền Bắc, với các sản phẩm có độ tinh xảo cao. Ảnh: Thanh Hoa

Trong khi đó, làng nghề sơn mài Hạ Thái đã tồn tại và phát triển hơn 200 năm nay. Ở đây, mọi công đoạn từ vật liệu thô đến tinh xảo đều được làm thủ công, sơn cũng có nguồn gốc từ thiên nhiên để tạo ra những sản phẩm có độ bền cao và màu sắc bắt mắt.

Năm 2020, Hạ Thái chính thức được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Điều đặc biệt, theo ông Phùng Quang Thắng, xưởng sản xuất và trải nghiệm làm sơn mài không phải là từng hộ đơn lẻ, mà cả làng đã thống nhất hình thành một trung tâm workshop sơn mài.

“Nếu Phúc Am là sản xuất những sản phẩm có tính nghệ thuật tôn vinh những vị thần dân gian hay ông bà tổ tiên, thì sơn mài Hạ Thái tôn vinh vẻ đẹp của những vật dụng được sử dụng hàng ngày, đạt đến trình độ nghệ thuật, mỹ thuật. Xu hướng của thế giới chuyển sang phong cách art and craft (nghệ thuật và thủ công) thì tại đây chính là nơi chúng tôi muốn phát huy để nói lên giá trị cốt lõi của tour”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đại diện cơ sở sản xuất sản phẩm sơn mài, anh Tạ Anh Dũng (Công ty sơn mài Phúc Cường), chia sẻ, trước đây lượng khách du lịch đến làng nghề sơn mài Hạ Thái thường nhỏ lẻ, thưa thớt hoặc bất chợt nên việc chuẩn bị để tiếp đón chưa được chu đáo. Hơn nữa, khi đã xác định phát triển du lịch, làng nghề sẽ có những sản phẩm phù hợp hơn. Hiện tại hầu hết đều là những sản phẩm kích thước khá lớn, khó vận chuyển ra nước ngoài khi khách mua làm quà hoặc kỷ niệm.

Đưa thủ phủ 'cõi âm' và làng nghề sơn mài vào tour cho khách quốc tế ảnh 3

Các sản phẩm sơn mài tại làng Hạ Thái. Ảnh: Ngọc Hà

Đưa thủ phủ 'cõi âm' và làng nghề sơn mài vào tour cho khách quốc tế ảnh 4

Khách du lịch trải nghiệm làm sản phẩm sơn mài ngay tại xưởng, dưới sự hướng dẫn của những người thợ Hạ Thái. Ảnh: Ngọc Hà

Điểm đến mới trong chương trình City tour

Chính vì vậy, để giới thiệu những giá trị độc đáo của hai nghề đến du khách, đặc biệt là khách quốc tế, Sở Du lịch Hà Nội và UBND huyện Thường Tín, xã Duyên Thái mới đây đã tổ chức Chương trình giới thiệu tour du lịch “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái”.

Đây là một hoạt động xúc tiến sản phẩm du lịch trong chương trình đưa kinh tế du lịch trở thành một trong những hoạt động chính phát triển kinh tế - xã hội của xã Duyên Thái, song song với thực hiện kế hoạch của Sở Du lịch Hà Nội và huyện Thường Tín về việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề.

Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm nay hoặc đầu năm sau sẽ hoàn thiện toàn lộ trình tour du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị di sản - di tích và làng nghề, theo tuyến “Con đường di sản nam Thăng Long - Hà Nội” qua 3 địa phương là Thanh Trì, Chương Mỹ và Phú Xuyên.

Ông Vũ Văn Tuyên - CEO của Travelogy - đánh giá, sản phẩm của làng nghề Duyên Thái không chỉ là vật hiện hữu mà còn mang giá trị di sản, văn hóa - lịch sử, mang tính bản địa. Cả hai làng nghề cũng hội tụ đủ tiêu chuẩn phát triển du lịch bền vững.

Ông cho hay, lâu nay các công ty du lịch inbound (đón khách quốc tế) vẫn loay hoay tìm kiếm các chương trình City tour (tour tham quan thành phố, thường đi trong ngày) làng nghề quanh Hà Nội buộc phải lồng ghép liên kết các chương trình tham quan các điểm khác nhau do một số làng nghề không hiện hữu đầy đủ và thường xuyên. Như những đoàn khách Pháp của Travelogy đến Hà Nội hoặc vùng phụ cận như Bắc Giang, Bắc Ninh,… tại một số làng nghề chỉ làm theo thời vụ hoặc làm theo lịch trong ngày, nên không thấy cận cảnh làm trực tiếp.

Vì thế, quanh đi quẩn lại vẫn là các điểm đến chùa Thầy, chùa Tây Phương, làng Chuông, Thạch Xá, Bát Tràng, Chàng Sơn… Nay việc đưa xã Duyên Thái vào lịch trình là điểm đến mới vô cùng ấn tượng, sống động khi không quá xa trung tâm Hà Nội.

“Vàng mã và sơn mài là hai sản phẩm du lịch độc lập, nhưng lại có thể liên kết thành một sản phẩm tour cho khách quốc tế có thể đi trong ngày hoặc nửa ngày”, ông Tuyên nói.

Các đơn vị lữ hành có thể liên kết với các làng nghề khác trong huyện Thường Tín, bởi đây vốn được coi là "thủ phủ" của làng nghề, với 126 làng nghề, trong đó 48 làng nghề truyền thống.

Ngoài làng nghề sơn mài Hạ Thái là nghề thêu tại các xã Quất Ðộng, Thắng Lợi, Lê Lợi; nghề tiện gỗ ở làng Nhị Khê (xã Nhị Khê); nghề điêu khắc ở các làng Nhân Hiền (xã Hiền Giang), Thượng Cung (xã Tiền Phong), Thụy Ứng (xã Hòa Bình)...

Đại diện Công ty du lịch Vidotour cho rằng, ngoài hoạt động sản xuất hàng ngày phục vụ khách tham quan trực tiếp, tại làng nghề cần tạo ra những sự kiện, chương trình trình diễn sản phẩm hoặc sản phẩm mang tính định kỳ, chẳng hạn một tuần một lần, để thuận tiện cho các đơn vị lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm tour, đưa khách đến.


Link bài gốc: https://vietnamnet.vn/dua-thu-phu-coi-am-va-lang-nghe-son-mai-vao-tour-cho-khach-quoc-te-2330410.html

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.