Đua nhau bỏ học sau tết

Đua nhau bỏ học sau tết
TP - Chưa có thống kê chính thức, nhưng số lượng học sinh bỏ học đang gia tăng mạnh sau tết tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Sau Tết Kỷ Sửu, lao động nông thôn ở ĐBSCL đổ ra thành thị kiếm việc làm. Đi dọc theo kinh Giáo Hổ, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) rải rác có những ngôi nhà vắng bóng người. Bà con ở đây cho biết những gia đình này kéo nhau lên miền Đông làm mướn.

“Sau tết tôm tép không có, bà con kéo cả nhà đi làm mướn. Mấy đứa trẻ đang học, phải nghỉ giữa chừng, theo cha mẹ”- Anh Năm Nhớ, ấp Tân Biên, xã Tân Hưng (huyện Cái Nước, Cà Mau), kể.

Ngay sau tết, vợ chồng anh Bạch Văn Định quyết định cho con trai Bạch Quốc Kháng, học sinh lớp 7, trường THCS Tân Hưng và Bạch Anh Thư, học sinh lớp 3, trường tiểu học Tân Biên, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau), nghỉ học đi làm mướn. Vợ chồng anh làm công nhân nên phải gửi hai con về nhà bà nội để đi học. Năm nay, thu nhập của hai vợ chồng thấp quá nên họ cho con nghỉ học đi làm mướn.

Ông Nguyễn Văn Lâm, có con học ở Trường THPT Lê Lợi (TP Sóc Trăng), trăn trở: “Phần lớn học sinh vào trường này đều có học lực yếu hoặc trung bình. Chúng tôi không hy vọng con mình học giỏi mà chỉ mong được từ trung bình trở lên. Nhưng qua học kỳ 1, có quá nhiều cháu bị xếp loại yếu kém, phụ huynh không vui, lo lắng nhiều, thậm chí nhiều người muốn cho con nghỉ học luôn để làm ăn kiếm tiền”.

Trường THPT Lê Lợi (TP Sóc Trăng) liên tục dẫn đầu tỷ lệ học sinh bỏ học. Kết quả học kỳ 1 (năm học 2008- 2009), tỉ lệ học sinh có học lực trên trung bình chỉ  20 phần trăm, thậm chí có lớp 100 phần trăm học sinh dưới điểm trung bình. Nhiều học sinh chán nản học hành, bỏ bê việc học và có cơ hội là nghỉ luôn.

Còn bỏ

Đua nhau bỏ học sau tết ảnh 1Những ngày tới đây, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có thể phải đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hơn nữa, dịp tết Chonchnam-Thmay của người Khmer cũng sắp đến nên số học sinh nghỉ học không dừng ở đâyĐua nhau bỏ học sau tết ảnh 2

Cô Phạm Thị Cẩm Tú, Phó Hiệu trưởng trường THPT, Nguyễn Khuyến (Sóc Trăng) nói

Ông Nguyễn Minh Quang, Hiệu phó trường THCS Trường Xuân (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), thở dài: “Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi kết thúc học kỳ hoặc sau tết, học sinh lại rơi rớt rất nhiều, phải chia nhau đi vận động nhiều lần mà kết quả không mấy khả quan. Hơn 100 cán bộ các khối đoàn thể huyện Cờ Đỏ vừa cùng chúng tôi trải qua những cuộc vận động học sinh bỏ học trở lại trường”. 

Ban giám hiệu trường THCS Trường Xuân (Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đánh giá, phần lớn do các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc do ở xa trường.

“Trước đây, nhiều em ở các khối sáu, bảy phải vượt qua đoạn đường gần 14 km mới đến được trường. Năm học mới, nhà trường phải gởi sáu lớp học thuộc hai khối này học tại trường tiểu học Trường Xuân A2, để rút ngắn đoạn đường đến trường của các em xuống còn 5-6 km.

Ngoài ra, hơn 50 phần trăm số học sinh bỏ học có học lực yếu kém nên chán học. Vận động các em trở lại trường quá khó” - Ông Nguyễn Minh Quang thổ lộ.

Ông Trần Ngọc Thể, Hiệu trưởng Trường THCS Đầm Dơi (Cà Mau), nói: “Đến thời điểm này, trường chúng tôi có 45 học sinh bỏ học, chiếm 2,9 phần trăm. Sau tết, lượng học sinh bỏ học càng nhiều. Tôi cho giáo viên điều tra, rà soát hoàn cảnh gia đình các em để có hỗ trợ kịp thời, không chờ các em nghỉ học mới đi vận động!”.

Sở GD&ĐT Sóc Trăng chỉ đạo ngay đầu năm học, nhất là vào dịp cận tết, về chấn chỉnh tình trạng học sinh bỏ học. Cô Phạm Thị Cẩm Tú, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (Vĩnh Châu, Sóc Trăng), cho biết: “Trước khi nghỉ tết, chúng tôi sinh hoạt, nhắc nhở học sinh về vấn đề này. Chúng tôi cũng cho giáo viên chủ nhiệm cùng chính quyền khóm ấp đến tận gia đình học sinh, vận động nhắc nhở học sinh. Tuy nhiên chúng tôi vẫn lo số học sinh bỏ học tiếp tục tăng”.

Theo nhà giáo Nhân dân, TS Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, học sinh bỏ học đang là thực trạng nhức nhối của các tỉnh ĐBSCL. Tại các hội nghị giáo dục gần đây, Giám đốc các sở GD&ĐT bàn nhiều biện pháp hỗ trợ các em trở lại trường.

“Ở Cà Mau, chúng tôi chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường học điều tra, rà soát những khó khăn của học sinh để hỗ trợ kịp thời. Mỗi kỳ nghỉ hè là học kỳ thứ 3 cho học sinh yếu kém”.

Ông Ninh Thành Viên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tỉnh Kiên Giang: “Chưa có  số liệu thống kê của chính thức học sinh nghỉ học sau tết. Tính đến thời điểm trước tết (học kỳ 1 năm học 2008- 2009), tỉnh Kiên Giang có 3.701 học sinh bỏ học, tăng dần lên ở các cấp học phổ thông. Học sinh các huyện vùng sâu, vùng xa, hải đảo xa xôi có tỷ lệ học sinh bỏ học cao”.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Cần Thơ: “Học sinh bỏ học chủ yếu tập trung ở các quận huyện vùng ven như Phong Điền, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… do hoàn cảnh gia đình khó khăn, do xa trường, đi lại không thuận tiện”.

Huyện Gò Quao có số lượng học sinh nghỉ học cao nhất tỉnh Kiên Giang với 300 trong học kỳ 1 (năm học 2008- 2009), chiếm tỷ lệ 2,3%.

Cà Mau được xem là địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất với 2,7 phần trăm cấp tiểu học; THCS: 7,5 phần trăm và THPT: 9,05 phần trăm. Tỉnh Bạc Liêu có tỷ lệ học sinh bỏ học giữa học kỳ 1 (năm học 2008- 2009) là 6,1 phần trăm.

MỚI - NÓNG