Đưa giáo viên giỏi về trường vùng ven

TP - Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa giáo viên dạy giỏi các trường tốp đầu về tập huấn, dạy mẫu, chia sẻ kinh nghiệm cho giáo viên các trường ngoại thành là một giải pháp được đánh giá hữu hiệu.

Dạy mẫu, chia sẻ cách dạy hay

Cô Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), một trong những giáo viên cốt cán của Sở GD&ĐT Hà Nội, dịp này được đưa về dạy mẫu ở các Trường THPT Tự Lập huyện Mê Linh, Trường THPT Trung Giã, huyện Sóc Sơn.

Khi về trường, cô Nga đứng lớp 12 và lớp 10 để có thể dạy cả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và chương trình 2006. Tổ chuyên môn của hai trường thống nhất sẽ chọn lớp có nhiều em học lực yếu, trung bình cũng như tác phẩm được cho là khó nhằn để thử sức cả cô và trò. Ví dụ ở lớp 12, chọn tác phẩm “Rừng xà nu” nhiều năm nay không đưa vào sử dụng cho ngữ liệu thi tốt nghiệp THPT để giáo viên dạy mẫu. Thế nhưng, điều cô rất bất ngờ là 2 tiết học với học sinh lớp 12 Trường THPT Tự Lập vô cùng sôi nổi, học sinh hào hứng tranh luận với giáo viên.

“Mình không sử dụng thiết bị hỗ trợ nhằm phù hợp với trường học chưa có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất dạy học, chỉ dùng đến 2 phiếu với hệ thống câu hỏi mà trả lời được các em coi như đã nắm vững được bài. Đừng cho rằng, học sinh chán học Ngữ văn hay môn học nào đó, quan trọng là sự linh hoạt của giáo viên trong phương pháp giảng dạy đối với từng nhóm năng lực làm sao thu hút các em vào bài giảng. Học sinh ban A học tiếp nhận kiến thức Ngữ văn theo logic khoa học, trong khi các em ban C lại diễn đạt tuỳ hứng, sáng tạo nhưng cũng cần được định hướng theo đặc trưng thẩm mỹ của văn chương”, cô Nga nói.

Dạy ở Trường THPT Việt Đức, nơi học sinh có điểm đầu vào lớp 10 thuộc tốp đầu Hà Nội, nên có sự khác biệt so với các em ở trường ngoại thành, điểm tuyển sinh đầu vào chưa cao. Để có một giờ dạy hấp dẫn, đòi hỏi giáo viên phải có cách tiếp cận nội dung phong phú, có chiều sâu kiến thức để dẫn dắt học sinh tiếp cận nội dung, kiến thức. Nếu dạy Ngữ văn đơn thuần với lối dạy truyền thống, thầy đọc trò chép, các em dễ nhàm chán.

Khi cô Nga và một số giáo viên của Trường THPT Việt Đức đứng lớp dạy mẫu ở các trường ngoại thành, giáo viên của trường cùng dự giờ để đúc rút kinh nghiệm. Sau mỗi giờ dạy, giáo viên hai trường ngồi lại để trao đổi, chia sẻ phương pháp cũng như tài liệu. Chương trình hỗ trợ kéo dài nên ngay khi sắp xếp được, giáo viên các trường ngoại thành lại đến trường tốp đầu tiếp tục dự giờ, tham gia các buổi chuyên đề.

Đưa giáo viên giỏi về trường vùng ven ảnh 1

Giáo viên Trường THPT Việt Đức trong giờ dạy Ngữ văn ở Trường THPT Tự Lập.

Dạy bộ môn nhiều năm, cô Nga trăn trở, dù đổi mới chương trình GDPT nhưng mỗi năm tiếp nhận học sinh mới đâu đó vẫn có những em chờ đợi văn mẫu để chép. Tuy nhiên, cô Nga nói rằng, dù đối tượng học sinh nào, giáo viên cần đặt vào vị trí người học để chỉ ra con đường, cách học, rèn khả năng tự học vì không ai đi theo các em chặng đường dài. Điều quan trọng là định hướng đúng sẽ có cách làm đúng. Hiện nay, một số nơi, một số giáo viên vẫn hiểu sai về chương trình GDPT mới, do đó khi chuẩn bị kiểm tra đánh giá cuối kỳ, cuối năm hay kỳ thi lại giới hạn bài cho học sinh ôn tập. Cách làm như vậy tăng thêm gánh nặng cho học sinh phải cùng lúc học rất nhiều trong khi chỉ cần nắm được phương pháp, bất cứ ngữ liệu nào các em đều có thể làm bài tốt.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, cho biết, sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội phát động phong trào cùng chung tay nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã cử 32 giáo viên đến 2 trường để chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm. Đây là một chương trình hay, nhân văn đòi hỏi giáo viên phải cố gắng, cũng là cơ hội để thể hiện mình với các đối tượng học sinh khác nhau. “Nhà trường có đội ngũ giáo viên có năng lực, thuận lợi trong nghiên cứu, tìm tòi tài liệu dạy học nhưng chỉ áp dụng tại chỗ sẽ rất lãng phí. Khi đưa nhân lực về các trường, các thầy cô cũng cần phải thiết kế lại bài giảng phù hợp học sinh, từ tốc độ dạy, cách truyền đạt. Trên hết là sau đó, giáo viên các trường có thể hỗ trợ lẫn nhau lâu dài để cùng thúc đẩy chất lượng. Đối với nghề giáo, không phải cứ lên lớp, thầy cô bê nguyên giáo án vào dạy mà đôi khi có những lưu ý nằm lòng bàn tay lại khiến học sinh dễ nhớ, dễ học”, bà Quỳnh nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ, ngành rất trăn trở trước thực trạng các trường có khoảng cách chất lượng giáo dục. Việc đưa giáo viên giỏi các trường tốp đầu về các trường ngoại thành để thực hiện các chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, dạy mẫu… có ý nghĩa rất quan trọng trong hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, ôn thi học sinh giỏi, giáo dục STEM…

Thầy cô tự đổi mới

Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng, khi thực hiện chương trình GDPT mới, ngoài Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tập huấn, mỗi nhà giáo phải tự học, tự đổi mới mình rất nhiều nên dẫu có qua thời gian vẫn có người lúng túng. Việc đưa đội ngũ nhà giáo trường tốp đầu về các trường ngoại thành dạy học như thổi làn gió mới, tháo gỡ được phần nào vướng mắc, trăn trở cho các thầy cô.

Trường THPT Chu Văn An có một cách làm khác là cử giáo viên dạy giỏi về Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Giờ học được giáo viên, nhà trường chuẩn bị công phu, kết nối trực tuyến tới hơn 200 điểm cầu của các trường học ở Hà Nội để cùng nhau học tập.

Ông Lý Đức Kim, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lập, huyện Đan Phượng cho biết, đặc thù của trường là học sinh đến từ 40 trường THCS. Dù điểm tuyển sinh lớp 10 tăng hằng năm nhưng vẫn thấp so với nhiều trường. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ của học sinh hạn chế, kết quả thi tốt nghiệp THPT chưa như kỳ vọng. Ban giám hiệu của Trường THPT Phan Đình Phùng và nhà trường đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ lẫn nhau phát triển trong giai đoạn 2022-2025. Trường THPT Phan Đình Phùng cử giáo viên về trường tổ chức các giờ dạy, sau đó cùng đội ngũ của trường thảo luận, góp ý, sinh hoạt chuyên môn. “Giáo viên của trường học hỏi được nhiều trong việc khai thác công nghệ vào dạy học cũng như cách thức triển khai giờ dạy. Trên hết, học sinh được giao lưu, tự tin, năng động hơn”, ông Kim nói.

Tin liên quan