Du khách thích thú chơi bịt mắt đập niêu, xem nghệ thuật sắp đặt ở Hội An

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều hoạt động đặc sắc tại Festival Nghệ thuật sắp đặt tại Hội An truyền tải thông điệp giảm rác thải nhựa, tái chế, tái sử dụng để bảo vệ môi trường biển và khuyến khích tính sáng tạo trong cộng đồng du lịch địa phương.
Du khách thích thú chơi bịt mắt đập niêu, xem nghệ thuật sắp đặt ở Hội An ảnh 1

Bạn trẻ tham gia sáng tạo tại festival. Ảnh Hoài Văn

Sáng 22/12, rất đông du khách và người dân có mặt tại làng chài Tân Thành (phường Cẩm An, TP. Hội An) tham dự Festival Nghệ thuật sắp đặt Môi trường biển Hội An 2022.

Hoạt động nhằm gắn kết cộng đồng doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương với du khách tại Hội An.

Du khách thích thú chơi bịt mắt đập niêu, xem nghệ thuật sắp đặt ở Hội An ảnh 2

Hoạt động đặc sắc hút du khách.

Nhiều hoạt động đặc sắc, ý nghĩa thu hút sự chú ý của người dân và du khách với 20 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt làm từ vật liệu tái chế; biểu diễn nghệ thuật đường phố, chợ phiên du lịch Tân Thành, ẩm thực địa phương và quốc tế, ký cam kết bảo vệ môi trường biển, cộng đồng tham gia thu gom rác thải tại biển…

Du khách thích thú chơi bịt mắt đập niêu, xem nghệ thuật sắp đặt ở Hội An ảnh 3

Khách tây hào hứng tham gia trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu. Ảnh Hoài Văn

Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, cho biết sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động tại Festival là thông điệp giảm rác thải nhựa, tái chế, tái sử dụng để bảo vệ môi trường biển, khuyến khích tính sáng tạo trong cộng đồng du lịch địa phương nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững trên cơ sở gìn giữ và phát huy những giá trị bản địa. Đây cũng là tiền đề để Hội An sớm thực hiện mong muốn được tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Du khách thích thú chơi bịt mắt đập niêu, xem nghệ thuật sắp đặt ở Hội An ảnh 4

Cam kết chung tay bảo vệ biển.

“Sau festival này mỗi người trong chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ loài cá mó (cá vẹt) giúp khôi phục rạn san hô, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần, thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi trường. Mỗi doanh nghiệp phát huy tinh thần sáng tạo để thiết kế lại sản phẩm, chuyển đổi các dịch vụ du lịch mang tính bền vững và độc đáo. Tất cả cùng nhau sống xanh”, ông Thanh nhấn mạnh.

Du khách thích thú chơi bịt mắt đập niêu, xem nghệ thuật sắp đặt ở Hội An ảnh 5

Tác phẩm "con sứa" làm từ vỏ chai nhựa - Ảnh Hoài Văn

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, đối với nhiều nơi và ngay cả với Hội An, ngành du lịch cần đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo rằng các tác động môi trường và xã hội từ các hoạt động du lịch được quản lý một cách bền vững. Điều này phải được bắt đầu trực tiếp từ giai đoạn lập kế hoạch của bất kỳ dự án du lịch mới nào. Cần chú ý nhiều hơn tới việc đảm bảo tiêu thụ tài nguyên bền vững và thực hành quản lý chất thải hiệu quả hơn.

“Phát triển bền vững không có nghĩa là chậm lại mà là đổi mới sáng tạo trong cách thực hiện. Tại Việt Nam, chương trình du lịch bền vững sẽ thúc đẩy những trải nghiệm thú vị hơn cho khách du lịch, đề cao đời sống lành mạnh, tinh thần đoàn kết và hòa nhập. Du lịch bền vững cũng sẽ tạo cơ hội việc làm và cơ hội kinh doanh mới, có ý nghĩa. Phát triển bền vững là vì con người, vì vậy tại đây tôi cam kết rằng UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tác của chúng tôi tại Việt Nam và đặc biệt là Quảng Nam”, ông Christian Manhart chia sẻ.

MỚI - NÓNG