Dự án sân bay Long Thành: Giảm gần 3 tỷ USD công nghệ có thụt lùi?

Xã Suối Trầu sẽ bị giải tỏa trắng để xây dựng sân bay Long Thành.
Xã Suối Trầu sẽ bị giải tỏa trắng để xây dựng sân bay Long Thành.
TP - Trong tuần này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo mới nhất về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và thảo luận chủ trương đầu tư dự án quan trọng này. Trong “Báo cáo về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành” vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội, tổng mức đầu tư của dự án giảm 2,9 tỷ USD so với trước.

Thời điểm đầu tư quyết định chi phí

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc rà soát, xác định lại tổng mức đầu tư chỉ liên quan đến việc phân kỳ đầu tư, chi tiết hơn đơn giá tính toán và giảm diện tích sử dụng đất chứ không làm thay đổi quy mô sân bay, công nghệ- kỹ thuật áp dụng cho dự án. Cụ thể, mức giảm lớn nhất do giai đoạn 1 chỉ đầu tư một đường cất hạ cánh. Đơn giá xây dựng cũng tính theo các dự án triển khai gần đây tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, chứ không tính theo suất đầu tư của Nhật Bản như trước đây. Chỉ với việc điều chỉnh này, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án đã giảm hơn 1 tỷ USD. Trong đó, nhóm các hạng mục san nền, thi công đường trục, hầm kỹ thuật, trạm xử lý nước thải…giảm 808 triệu USD; nhóm các hạng mục nhà ga hàng hóa, trạm nhiên liệu, hệ thống cấp điện, viễn thông… giảm 183 triệu USD. Ngoài ra, trong báo cáo lần này cũng không đưa vào dự án các hạng mục đầu tư triển khai theo phương án xã hội hóa khác, giúp giảm tổng mức đầu tư 426 triệu USD; Các chi phí khác như tư vấn, dự phòng, thuế… cũng được tính toán lại giảm tương ứng là 581 triệu USD…

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam Đỗ Tất Bình cho biết, với suất đầu tư giai đoạn 1 là 208 USD/hành khách của dự án này là không cao nếu so với các sân bay khác trong khu vực. Ví như sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan) hoàn thành năm 2006 có suất đầu tư là 111 USD/hành khách. Nhưng trong 10 năm qua, theo Tổng cục Thống kê thì trượt giá vật liệu xây dựng là 30%, trang thiết bị trượt giá 60%... nên tính theo đơn giá hiện nay thì suất đầu tư của Thái Lan đội lên là 280 USD. “Trước đây, đầu tư nhà ga T2 Tân Sơn Nhất mất 200 triệu USD, nhưng nhà ga T2 Nội Bài thì phải đầu tư tới 800 triệu USD mà quy mô cũng không lớn hơn nhiều. Do vậy, thời điểm đầu tư là rất quan trọng, theo tính toán của chúng tôi cứ chậm 5 năm thì các dự án bị trượt giá gấp đôi”, ông Bình nói.

Người dân lo dự án “treo”

Cuối tuần qua, Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai đã cho một số phóng viên về khảo sát tại vùng dự án. Tiếp xúc với phóng viên, người dân xã Suối Trầu, huyện Long Thành, Đồng Nai (một trong những xã bị “giải tỏa trắng” nếu dự án sân bay Long Thành được triển khai), đều bày tỏ lo ngại dự án đã quy hoạch quá lâu, liệu có thành dự án “treo”. Ông Nguyễn Văn Tuyên, ấp 1, xã Suối Trầu (Long Thành, Đồng Nai) bày tỏ, quy hoạch sân bay Long Thành đã gần 20 năm rồi, nếu làm thì phải làm ngay, càng kéo dài người dân càng khổ vì chúng tôi nằm trong vùng quy hoạch rất khó làm ăn, không dám đầu tư cái gì cả. “Khu này nằm trong vùng sâu vùng xa, nghe thấy quy hoạch sân bay nên dân chúng tôi mừng lắm. Hy vọng xây sân bay ở đây chắc chắn sẽ làm cho cuộc sống tốt hơn, kinh tế phát triển hơn”, ông Tuyên nói.

Bà Nguyễn Thị Hai Thu (ấp 1, xã Suối Trầu) cùng chung tâm trạng và bày tỏ, dự án quy hoạch lâu quá, dân nằm trong vùng quy hoạch không làm gì được, có mấy chục cây điều già cũng không dám cưa, sợ mất trắng không được đền bù.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT Đồng Nai) cho biết, sau khi phát phiếu lấy ý kiến nhân dân trong vùng dự án, hầu hết các hộ dân đều đồng tình với chủ trương xây dựng dự án. “Toàn bộ 4.730 hộ dân với 14.100 nhân khẩu ở đây đều đồng thuận với chủ trương của dự án và đề nghị sớm thực hiện dự án để các hộ dân ổn định cuộc sống”, ông Thanh nói.

Hiện hai khu tái định cư cũng đã được quy hoạch với tổng diện tích 282 ha trên khu đất hiện do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng. Ông Thanh cho biết, vị trí khu tái định cư nằm cạnh trục giao thông chính, cụm công nghiệp, là nơi giải quyết việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, với 2.579 nông dân trong vùng dự án trong khi khu tái định cư lại không bố trí đất sản xuất thì việc chuyển đổi nghề cho số lao động này sẽ gặp khó khăn.  

Thực tế, trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ GTVT cũng nhận định phương án giải phóng mặt bằng chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, đặc biệt là vấn đề tái định cư, đảm bảo đời sống, việc làm cho người dân tới nơi cư trú mới.

MỚI - NÓNG