Cần nâng tính cạnh tranh của sân bay Long Thành

TS Lương Hoài Nam: “Sự hấp dẫn điểm đến là rủi ro lớn nhất của sân bay Long Thành”.
TS Lương Hoài Nam: “Sự hấp dẫn điểm đến là rủi ro lớn nhất của sân bay Long Thành”.
TP - Ngày 14/5, tại hội thảo “Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành - cần một cách nhìn khách quan, trung thực và xây dựng” diễn ra ở TPHCM, các chuyên gia cho rằng, làm sân bay Long Thành là cần thiết, nhưng cần làm rõ hiệu quả đầu tư của dự án.

Nhiều đối thủ đáng gờm

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nói rằng, trong quá trình phát triển, sân bay Long Thành (LT) sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh trung chuyển do các cảng hàng không quốc tế lớn khác trong khu vực đã đạt được quy mô sản lượng lớn, đã được đầu tư hiện đại, hoạt động ổn định trong nhiều năm với chất lượng dịch vụ cạnh tranh và chuyên nghiệp hơn.

Trong giai đoạn đầu, sân bay LT chưa thể đáp ứng được đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại cho các hãng hàng không bay đến nên khó thu hút các hãng hàng không trên thế giới mở các đường bay đến sân bay LT. “Hạ tầng và chất lượng dịch vụ của ngành kinh tế du lịch của Việt Nam đang trong giai đoạn cải thiện đồng bộ và phát triển. Hiện nay, Thái Lan, Singapore có được những cảng trung chuyển tầm cỡ thế giới bởi họ dựa trên sự phát triển của ngành kinh tế du lịch. Việt Nam hiện mới đón 7 triệu khách/năm (năm 2014), trong khi Thái Lan là 27 triệu và Singapore là 17 triệu khách/năm”, ông Hùng nói.

TS Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu, nhận định, năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch là rủi ro lớn nhất cho dự án sân bay LT. Ngoài ra, sân bay LT sẽ cạnh tranh trực tiếp với 4 sân bay quốc tế lớn gần Việt Nam là Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur và Hong Kong và nhiều sân bay quốc tế cự ly xa hơn. Các sân bay cạnh tranh với nhau về chất lượng dịch vụ và giá, phí các dịch vụ sân bay (gồm giá phí cho các hãng hàng không và hành khách).

Hiện tại, tính cạnh tranh của các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài chưa cao. Lệ phí phục vụ trên mỗi hành khách ở Tân Sơn Nhất là 20 USD, Nội Bài T1 cũ là 16 USD, T2 là 25 USD, cao hơn so với sân bay Changi ở Singapore (15 USD), nhưng danh mục và chất lượng các dịch vụ được cung cấp còn thua kém nhiều. “Không chỉ sân bay Changi, so với các sân bay quốc tế ở Bangkok, Kuala Lumpur, Hong Kong cũng vậy. Sân bay LT cần phải thay đổi được thực tế này. Nếu không bằng các sân bay ở Singapore thì cũng phải bằng hoặc tốt hơn các sân bay ở Bangkok, Kuala Lumpur”, ông Nam nói.

TS Nam cho rằng, thành công của dự án sân bay LT phụ thuộc nhiều vào tương lai phát triển và khả năng cạnh tranh quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam. Các sân bay Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, Hong Kong đều là trung tâm của các hãng hàng không lớn, có chất lượng dịch vụ 5 sao. Nếu các hãng hàng không trong nước gặp khó thì có thể đề nghị Nhà nước bảo hộ bằng chính sách hạn chế cạnh tranh quốc tế, chủ yếu là thông qua việc cấp thương quyền và hạn chế tái cung ứng. 

Phải chấp nhận đánh đổi

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, nói rằng, khi bàn về dự án sân bay LT, cần có tầm nhìn và phân biệt rõ ngắn hạn và dài hạn. Sân bay LT là dự án thuộc về tương lai, cách tư duy là phải căn cứ vào tầm nhìn dài hạn, chứ không thể căn cứ vào bức xúc hiện tại như nợ công. Sân bay Tân Sơn Nhất có cơi nới, mở rộng gấp đôi cũng chỉ là nhà ga sân bay. LT phải khác, phải là một tổ hợp phát triển gồm hàng không, công nghiệp, dịch vụ, logistics.

“Sân bay Long Thành là một dự án kinh tế, bao giờ cũng có sự đánh đổi, được cái này thì phải trả giá bằng cái khác. Không dự án nào được cả”.

PGS.TS Trần Đình Thiên

PGS-TS Trần Đình Thiên lưu ý, có tầm nhìn tốt chưa đủ, cần phải triển khai tốt, đồng bộ. Sân bay LT cần tránh lặp lại bài học của dự án cảng Cái Mép - Thị Vải. Dù vị trí xây cảng kín gió, phù hợp cho tàu bè neo đậu nhưng đến nay mới hoạt động 14% công suất vì muốn trung chuyển quốc tế phải đóng cửa các cảng biển ở TPHCM. Việc này lẽ ra đã xong từ lâu nhưng đến nay TPHCM vẫn chưa di dời cảng. “Dự án sân bay LT là một dự án kinh tế, bao giờ cũng có sự đánh đổi, được cái này thì phải trả giá bằng cái khác. Không dự án nào được cả”, ông Thiên nói.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM, băn khoăn: Khi làm dự án sân bay LT, chưa xác định cho rõ số phận của sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào, có hoạt động song song với LT hay bị “xẻ thịt” để trả nợ? TS Trần Đình Bá băn khoăn, nếu ACV đầu tư bằng tiền của mình thì không cần bàn, đây là tiền của dân, nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu khẳng định, các số liệu cung cấp trong báo cáo dự án là chính xác. Khi sân bay LT đi vào hoạt động thì sân bay Tân Sơn Nhất vẫn khai thác song song, sau này còn tồn tại không thì thế hệ con cháu quyết định. “Trong quá trình thực hiện dự án, Bộ GTVT luôn cầu thị, lắng nghe để xem xét, hoàn thiện dự án. Bộ sẽ tiếp tục làm rõ hơn hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Thẳng thắn mà nói, triển khai lúc này là quá muộn vì dự án đã kéo dài hơn 10 năm, lẽ ra đã đi vào khai thác”, ông Tiêu nói.

MỚI - NÓNG