Đồng Tháp: Lại “tẩy chay” bằng tại chức

Ứng viên thuyết trình tại chộc thi vị trí lãnh đạo, quản lý năm 2013.
Ứng viên thuyết trình tại chộc thi vị trí lãnh đạo, quản lý năm 2013.
Tại Hội nghị rút kinh nghiệm thi tuyển vị trí lãnh đạo, quản lý năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 11/7 tại TP.Cao Lãnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cùng "nói không" với bằng tại chức.

Theo kế hoạch, năm 2014, Đồng Tháp có 8 sở, ngành và 4 huyện, thị, thành phố đăng ký thi tuyển 33 chức danh phó giám đốc, phó thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh và trưởng, phó phòng cơ quan cấp huyện... Theo đại diện lãnh đạo các đơn vị, chỉ chấp nhận xét tuyển hồ sơ các ứng viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính quy. Trong khi, quy định trên xuất phát từ quy định chung của tỉnh, vì vậy, đồng nghĩa Đồng Tháp “tẩy chay” bằng hệ tại chức.

Nhiều đại biểu lo ngại cho tính hợp lý và khoa học của quy định này. Bởi không chỉ thể hiện thái độ “phân biệt đối xử” thiếu công bằng với hệ đào tạo nằm trong hệ thống giáo dục quốc gia và được Nhà nước công nhận có giá trị ngang nhau, còn tạo ra sự thiếu công bằng, khách quan trong việc thi tuyển ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ. Bởi thực chất, sau khi nộp hồ sơ, các ứng viên còn trải qua kỳ sát hạch chuyên môn, kỹ năng ứng xử... với nhiều nội dung.

Và đây mới chính là sân chơi công bằng để các ứng viên thể hiện, chứng minh năng lực của mình trên lĩnh vực tỉnh đang cần (chứ không phải hệ đào tạo).

Đây mới chính là cơ hội tốt nhất, công khai nhất, đầy đủ nhất để Ban giám khảo thấy thực chất năng lực của từng ứng viên để từ đó chọn ra người có trình độ chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu công việc. Thực tế cũng không có đủ điều kiện để thực hiện đúng quy định này.

TS-BS Võ Anh Hổ - GĐ Sở Y tế - chia sẻ: “Ngoại trừ tuyến tỉnh, nhiều anh em ở tuyến huyện đều “đi lên” từ các hệ chuyên tu, tại chức, trước mắt chưa thể “áp” quy định này vào tiêu chí thi tuyển ở tuyến dưới”.

Quy chế, quy định là phương tiện, công cụ giúp lãnh đạo quản lý, điều hành hoạt động đơn vị hiệu quả nhất. Vì vậy, cần phải đảm bảo đúng luật và bình đẳng để các thành viên phát huy hết khả năng.

Nhất là trong việc lựa chọn người lãnh trọng trách điều hành công việc như cuộc thi tuyển vị trí lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thì yêu cầu xây dựng quy chế đảm bảo đúng luật, công bằng, cho mọi đối tượng có trình độ tương đương cùng được tham gia... phải đặt lên hàng đầu.

Thể hiện được sự sát sao với thực tế nguồn nhân lực được đào tạo từ nhiều loại hình mà tỉnh đang có.

Theo Theo Lao Động
MỚI - NÓNG