Bạn trẻ khởi nghiệp ở Đồng Tháp. - Ảnh: Hòa Hội |
Lắng nghe bạn trẻ khởi nghiệp
Trao đổi với PV Tiền Phong, chị Ngô Ngọc Anh – Sáng lập dự án Nhang sen Liên Tâm Đồng Tháp, doanh nghiệp chuyên cung cấp dòng nhang sạch từ sen và các loại thảo mộc thiên nhiên cho biết, Đồng Tháp đứng thứ 2 PCI (Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) là một kết quả đáng tự hào và là niềm tin, động lực cho cả lãnh đạo và người dân, nhất là những bạn trẻ khởi nghiệp như Liên Tâm khi quyết định gây dựng cơ nghiệp trên mảnh đất này.
Chị Ngô Ngọc Anh (phải) – Sáng lập dự án Nhang sen Liên Tâm Đồng Tháp |
Chị Ngọc Anh cho biết, là một doanh nghiệp trẻ, được lãnh đạo tỉnh quan tâm sâu sát, liên tục động viên, khuyến khích cũng như được nhiều chính sách hỗ trợ, định hướng về công nghệ, kiến thức kinh doanh, giao thương, kết nối… "Ở Đồng Tháp các bạn khởi nghiệp cảm thấy không bao giờ phải đi một mình, đây là nơi tiếng nói chúng tôi được lắng nghe, quan tâm, tin tưởng và được tạo nhiều cơ hội tốt nhất để hoàn thiện những ý tưởng của mình, đóng góp cho xã hội".
Anh Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Khởi Minh Thành Công |
Cùng là người trẻ khởi nghiệp, anh Ngô Chí Công - Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Khởi Minh Thành Công, chuyên sản xuất các mặt hàng về hoa sen ở Đồng Tháp. Anh Công cho rằng, lãnh đạo tỉnh luôn cởi mở, tiếp cận và chào đón các ý tưởng mới từ các bạn trẻ khởi nghiệp. Đồng thời, quan tâm, có nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể từ ban ngành. Ví dụ, Trung tâm khuyến công hỗ trợ đổi mới trang thiết bị đến chính sách bao bì, xúc tiến thương mại, hàng hóa... tất cả đều công khai, minh bạch và truyền tin nhanh qua mạng xã hội, gmail, zalo.. đến doanh nghiệp. "Lãnh đạo tỉnh còn kết nối nhiều nguồn lực từ bên ngoài về hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như đi tận cơ sở để thăm hỏi, trao đổi. Đó là một trong những hành động cụ thể so với các địa phương khác mà lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đang làm", anh Công nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (bìa trái). - Ảnh: V.K |
Nỗ lực tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp
Trải qua 16 năm, Đồng Tháp đã tạo dấu ấn đặc biệt về nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp và làm nên thương hiệu Đồng Tháp – PCI. Có thể khẳng định, PCI đã truyền cảm hứng, thông qua PCI, các doanh nghiệp đã có đóng góp không nhỏ vào xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và phát triển doanh nghiệp của tỉnh nhà. "Những gì Đồng Tháp có được ngày hôm nay đều có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Ở đây, quan trọng nhất không phải là thứ hạng mà chính là sự hài lòng của doanh nghiệp. Bởi Đồng Tháp luôn xác định, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thế mạnh và cũng là điểm tạo khác biệt của Đồng Tháp chính là con người, là sự tiên phong, xông xáo của lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Trung ương ghi nhận và đánh giá rất cao.
Thực tế chỉ ra rằng, có một tỷ lệ thuận giữa chỉ số PCI và chỉ số hình ảnh thương hiệu địa phương. Ngoài những ngoại lệ trong xác lập thương hiệu địa phương dựa trên “của trời cho” như sản vật, tài nguyên, hầu hết các sản phẩm hay lợi thế cạnh tranh đều do con người tạo ra. Và con người chính là yếu tố quan trọng nhất trên con đường xác lập những điểm hấp dẫn khác biệt của mỗi địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, thường xuyên đến với doanh nghiệp để nắm bắt sâu sát hơn tình hình, thông qua các buổi gặp gỡ doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp tại các điểm “Cà phê doanh nghiệp” ở các huyện, thành phố; các khu, cụm công nghiệp. Đây được xem như là một bước tiến của mô hình “Cà phê doanh nghiệp”. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên doanh nghiệp lạc quan, tin tưởng vào khả năng phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp mới được áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của địa phương như: “Họp mặt doanh nghiệp”; “Cà phê doanh nghiệp”, “Hội quán nông dân”; giảm 30% cuộc họp để đi cơ sở; đưa vào hoạt động Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 - một bước tiến trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.