Ngăn chặn tội phạm trong giới trẻ: Định hướng giá trị sống

0:00 / 0:00
0:00
Quan tâm, vun đắp tình yêu thương cho trẻ để giúp các em sống chan hòa, tránh bạo lực. Ảnh minh họa
Quan tâm, vun đắp tình yêu thương cho trẻ để giúp các em sống chan hòa, tránh bạo lực. Ảnh minh họa
TP - Nhận diện thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tội phạm trong giới trẻ, đặc biệt trẻ chưa thành niên, nhiều chuyên gia đã đề xuất những giải pháp ngăn chặn từ gốc tại buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội” do báo Thanh Niên tổ chức hôm qua, tại TPHCM.

Phạm tội ngày càng nghiêm trọng

Thông tin tại buổi tọa đàm, thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM, cho biết từ năm 2018 đến hết quý I/ 2021, Công an TPHCM ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do 884 đối tượng là người dưới 18 tuổi thực hiện, với các hành vi như: giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, cưỡng dâm, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, mua bán, tàng trữ chất ma túy,... Độ tuổi tội phạm dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 27,26%, dưới 18 tuổi chiếm 69,12%. Đáng chú ý, trong số 884 đối tượng này có đến 553 thanh thiếu niên đã bỏ học.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, thiếu tá Hùng cho rằng, do nhận thức còn non nớt, trẻ em luôn tin vào những gì chúng nhìn thấy và điều này lý giải vì sao phim ảnh có nội dung bạo lực (với các chủ đề như “đại ca”, “trùm trường học”, “giang hồ bảo kê”) có tác động rất lớn đến các em. Sự phát triển của mạng xã hội kéo theo sự kết nối dễ dàng hơn trong xã hội, đặc biệt là sự xuất hiện của các “nhóm kín” lôi kéo nhiều thanh thiếu niên, trẻ em tham gia.

TS. Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý, cho biết từng tham gia tư vấn tâm lý cho 20 học sinh từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Khi bị đánh đập, đa phần nạn nhân không chạy trốn mà chấp nhận “chịu trận” trước mặt mọi người. Lý giải việc tại sao không bỏ chạy, nhiều em cho rằng: “Quay lưng bỏ chạy thì thấy mình "nhục quá" nên "thà bị đục chứ không chịu nhục". Cái tôi của các bạn trẻ rất lớn”, TS. An cho hay.

Chuyên gia tâm lý tội phạm, TS. Đoàn Văn Báu nhận định, hiện nay tình hình phạm tội của người chưa thành niên rất dễ xảy ra, ngày càng trẻ hóa và nghiêm trọng hơn. Trong đó, có sự xuất hiện ở cả lĩnh vực tội phạm công nghệ cao. Nguyên nhân phạm tội xuất phát từ nhiều yếu tố, như do tâm lý lứa tuổi, do điều kiện xã hội tác động, do hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.

Ở một góc độ khác, TS. Báu cho rằng các bộ phim nhuốm màu bạo lực do một số văn nghệ sỹ sản xuất được chiếu trên mạng (web drama) đã lôi cuốn nhiều bạn trẻ quan tâm, ngưỡng mộ và tôn thành những “anh Vi cá”, “chị Mười ba”,... Thực tế trên khiến xã hội trở nên lẫn lộn và tạo thành một trào lưu nguy hiểm. “Điều đó dẫn đến chuyện có những giang hồ mạng được phong “thầy”, được ngưỡng mộ, thần tượng”, TS. Báu nói.

Giải quyết từ gốc

"Đã đến lúc chúng ta phải định hướng giá trị sống, thay đổi cách nhìn của người trẻ", TS.Báu nói và bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh các phương pháp giáo dục chú trọng nhiều đến thực hành, trang bị kỹ năng sống thiết thực cho các em. Phương pháp đào tạo kỹ năng cần có mục tiêu và nội dung triển khai cụ thể. Đồng thời, Bộ nên xây dựng bộ sách về các kỹ năng sống được biên soạn một cách chuẩn hóa, trong đó trang bị cụ thể các kỹ năng phòng chống tội phạm cho các em.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng Biên tập báo Thanh Niên kiến nghị ngành Công an cần có chế tài xử lý đối với những người dân không những không can ngăn mà còn vô cảm quay phim và phát lên mạng những tình huống bạo lực, nhằm tránh những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai. Ông Thông cho rằng, việc xử lý này là cần thiết để răn đe làm gương, góp phần đẩy lùi tình trạng vô cảm, tránh tình trạng lấy nỗi đau của người khác để câu view.

TS. Hòa An cho rằng nên tận dụng sức mạnh của công nghệ, bằng việc xây dựng thiết chế phòng tham vấn tâm lý online với một đội ngũ chuyên gia tâm lý tập trung, để bất kỳ một học sinh nào khi có vấn đề tâm lý được hỗ trợ kịp thời. “Ở đó sẽ giúp học sinh hiểu được vấn đề tâm lý của mình, đồng thời còn là nơi để các em giải tỏa tâm lý của mình. Nhà trường chú trọng tạo nên những sân chơi bổ ích để học sinh giải tỏa năng lượng bản thân, được khẳng định bản sắc cá nhân, tránh sử dụng những năng lượng đó vào những việc tiêu cực”, TS. Hòa An nói thêm.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM, các số liệu thống kê đã chỉ ra rằng người trẻ phạm tội phần lớn do nghỉ học, bỏ học, do hoàn cảnh khó khăn. “Cho nên nếu giữ được học sinh trong nhà trường chính là điều kiện tốt để ngăn chặn tối đa nguy cơ tội phạm trẻ hóa. Ở đó, các em được phổ biến, tuyên truyền pháp luật và dần hình thành nền tảng kiến thức pháp luật, từ đó góp phần ngăn ngừa nguy cơ sai phạm pháp luật”, ông Trọng nói.

Ông Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), cho rằng yếu tố then chốt trong các giải pháp ngăn ngừa tội phạm trẻ là cố gắng nắm bắt nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật và tập trung giải quyết nó. “Giáo dục pháp luật trong nhà trường phải có những nội dung phù hợp, linh hoạt. Nhà trường, giáo viên sẽ giúp các em biết được những hành vi nào đúng, hành vi nào vi phạm, từ đó hình thành ý thức chấp hành pháp luật”, ông Đạt nói.

MỚI - NÓNG