Đóng ít hưởng cao, quỹ nào chịu nổi!

Luật BHXH sẽ sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Ảnh: Việt Dũng
Luật BHXH sẽ sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Ảnh: Việt Dũng
TP - Ngày 13/8, phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Bảo hiểm xã hội phải đảm bảo nguyên tắc đóng và hưởng. Tức là có đóng thì có hưởng, khác với bảo hiểm y tế là lấy số đông bù cho số ít.

“Nếu mức đóng ít, thời gian đóng ngắn mà đòi hưởng cao và hưởng lâu dài thì không quỹ nào chịu được, sẽ dẫn đến vỡ quỹ như cảnh báo” - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Mở rộng đối tượng
  

Điểm mới là dự thảo Luật quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Đó là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định, có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Đa số ý kiến tán thành việc bổ sung đối tượng này vào diện tham gia BHXH bắt buộc, nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội. 

“Thường trực Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết. Mục đích là tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động. Đây là nhóm lao động có quan hệ lao động, nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để tránh thực hiện nghĩa vụ BHXH” - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích.

Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, để đảm bảo tính khả thi của quy định này, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, BHXH Việt Nam phải tăng cường tuyên truyền, vận động, đổi mới công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Doanh nghiệp. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng tham gia BHXH, có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định này.

Một điểm mới khác, Dự thảo bổ sung đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn tham gia BHXH. Theo cơ quan thẩm tra, đối tượng này cần áp dụng BHXH bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí, tử tuất có sự hỗ trợ của nhà nước. Một mặt, khuyến khích các địa phương, căn cứ vào khả năng ngân sách để hỗ trợ việc thực hiện BHXH bắt buộc đầy đủ 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tại nạn lao động và bệnh nghề nghiệp). 

Trường hợp chỉ thực hiện BHXH bắt buộc với chế độ hưu trí, tử tuất, nhà nước sẽ hỗ trợ đóng 14% mức tiền lương cơ sở, người lao động sẽ đóng 8% còn lại. “Thực tiễn nhiều người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có quá trình làm việc tương đối lâu dài tại cơ sở, có nguyện vọng tham gia BHXH bắt buộc” - bà Mai cho biết.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số đại biểu đề nghị cân nhắc, nên để đối tượng này thuộc diện BHXH tự nguyện. Lý do là, nhóm này chỉ hưởng chế độ phụ cấp, thời gian làm việc không trọn ngày và sẽ gặp khó khăn khi giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (chế độ của BHXH bắt buộc). 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, để hỗ trợ tiền đóng BHXH cho nhóm hoạt động không chuyên trách, ngân sách phải chi ra 443 tỷ đồng/năm. “Cần đặt vấn đề phải nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này chứ không chỉ có ban hành chính sách hỗ trợ”- ông Giàu nói.

Không để lương hưu sụt giảm

Về quy định điều chỉnh mức hưởng lương hưu hằng tháng, một số ý kiến tán thành với phương án 1: Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Chủ nhiệm Trương Thị Mai lưu ý, trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH trên cơ sở mức tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật Lao động. 

“Phải đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải cân nhắc bảo đảm bình đẳng giới trong khi điều chỉnh chính sách này” - bà Mai kiến nghị.

Rút đề xuất tăng tuổi hưu

Dự thảo Luật BHXH mới nhất đã giữ nguyên như quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, Điều 55 (Điều kiện hưởng lương hưu) quy định: Tuổi nghỉ hưu của nam vẫn là đủ 60 và nữ là đủ 55; những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ trước thời hạn (nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ - TB & XH và Bộ Y tế ban hành; hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên). 

Hồng Phúc

MỚI - NÓNG