Sớm khuyến cáo, tránh gây hoang mang
Trước tình trạng động đất, rung chấn xảy ra liên tục trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum), ngày 20/4, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai thành lập đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Quang (Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo; Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai) làm trưởng đoàn đến vùng tâm chấn kiểm tra thực tế.
Đoàn công tác đã đến nhà máy và khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Với công suất thiết kế 220MW, dung tích hồ chứa trên 145 triệu m3 nước, thủy điện Thượng Kon Tum đang được xem là một trong những yếu tố có thể liên quan đến việc gia tăng các trận động đất và rung chấn thời gian gần đây tại khu vực này.
Người dân ở tái định cư của Thủy điện Thượng Kon Tum lo lắng khi thời gian gần đây xảy ra nhiều trận động đất |
Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Công Đàm- Giám đốc Cty Thủy điện Thượng Kon Tum, thuộc Chi nhánh Cty CP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh cho biết, ngày 26/2/2020, thủy điện bắt đầu tích nước. Đến ngày 20/11 đã tích đầy hồ chứa. Sau gần 1 năm đến ngày 8/2/2021 nhà máy bắt đầu ghi nhận có rung chấn. Theo vị này, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5/2021, khá nhiều lần xuất hiện rung chấn…
Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang nhận định, chưa ai kết luận việc động đất ở đây do hồ thủy điện hay hồ thủy lợi gây ra nhưng qua các con số thống kê cho thấy, việc gia tăng về mật độ và độ lớn của động đất gần đây có sự trùng hợp với thời gian tích nước của hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Theo ông Quang, vấn đề này cần xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài.
Không chỉ thủy điện Thượng Kon Tum, hàng loạt dự án thủy điện khác của tỉnh này bị xé rào trong cấp phép, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Điều quan tâm nhất hiện giờ là 170 hộ dân tái định cư Thủy điện Thượng Kon Tum trên triền núi cao, thuộc thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông. Chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư này nằm dọc theo những ngọn đồi cao. “Càng ngày tôi càng thấy các trận động đất nhiều hơn, rung lắc cũng mạnh. Cả tuần nay, tôi và chồng không ngủ được vì lo động đất”, chị Y.P (40 tuổi, thôn Đắk Tăng) nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, hiện nay tỉnh chưa có các thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng để đo đạc, kiểm tra, đánh giá xác định chính xác tình hình dư chấn động đất nhằm đưa ra các giải pháp và hướng dẫn phù hợp.
Ông Tháp đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Viện Vật lý Địa cầu xem xét, cử cán bộ phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát thực tế, đánh giá tại các khu vực xảy ra động đất để có những nhận định, đưa ra giải pháp và khuyến cáo người dân biết, ổn định tâm lý, tránh hoang mang, nhất là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủy điện Thượng Kon Tum |
Xé rào cấp phép thủy điện
Theo tìm hiểu của PV, vừa qua, tại Kết luận 222 ngày 18/2/2022, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ, Kon Tum quy hoạch 81 công trình thủy điện chiếm 1.158ha đất rừng (rừng sản xuất 951ha, rừng phòng hộ 43ha, rừng đặc dụng 163ha), có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư (nhà đầu tư đề xuất, UBND tỉnh có văn bản trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch).
Năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch chung nhưng sau đó vẫn có 26 thủy điện được bổ sung quy hoạch trong năm 2020.
Theo TTCP, tại Kon Tum có nhiều dự án thuỷ điện được thực hiện khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đơn cử, dự án đầu tư Nhà máy thủy điện Đắk Trưa 1 & 2 do Cty CP Đầu tư Thủy điện Đức Bảo làm chủ đầu tư ở xã Đắk Pxi (huyện Đắk Hà) với diện tích hơn 30ha, tổng vốn đầu tư 319 tỷ đồng; Đắk Trưa 1 công suất lắp máy 4,8 MW và Đắk Trưa 2 công suất lắp máy 4,0MW.
TTCP xác định, UBND tỉnh sai phạm trong việc ban hành quyết định giao, cho thuê đất để thực hiện dự án khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Đáng nói, UBND tỉnh đã quyết định cho chủ đầu tư thuê vượt 8,6ha so với giấy chứng nhận đầu tư được cấp lần đầu, thể hiện sự tùy tiện, buông lỏng quản lý đất đai. Tỉnh này còn tiếp tục ban hành quyết định số 113 (ngày 6/2/2020) điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng quy mô thêm 8,7ha nhưng không yêu cầu chủ đầu tư lập lại đánh giá tác động môi trường, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, có dấu hiệu hợp thức hóa việc trước đó đã cho thuê đất vượt nhu cầu của dự án.
Sai phạm còn xảy ra tại Dự án thủy điện Đắk Re do Cty Cổ phần thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư ở xã Hiếu (huyện Kon Plông) và một phần xây dựng nhà máy thuộc tỉnh Quảng Ngãi với quy mô 60MW, diện tích đất sử dụng 192ha, tiến độ từ 2007 đến 2021. Cụ thể, được thi công năm 2016 nhưng dự án này chưa đủ điều kiện khởi công, theo TTCP đây là hành vi chiếm đất nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý, thể hiện sự buông lỏng quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng.
Ngoài ra, khi điều chỉnh quy mô (30MW lên 60 MW), tăng diện tích dự án (từ 175ha lên 192ha), chủ đầu tư không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dù vậy, cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý, vi phạm quy định.
Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án chủ đầu tư còn chiếm dụng đất trái phép để thi công, như đường dây điện 22KV từ nhà máy tới đập trên đất rừng (chưa chuyển đổi), khoảng 147 móng trụ (4m2/1 móng) xây khi chưa được cho thuê đất và cấp phép xây dựng...
Sớm làm rõ nguyên nhân
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 20/4, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đại diện Bộ Công Thương sẽ cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai vào Kon Tum để làm rõ nguyên nhân gây ra các vụ động đất liên tiếp thời gian qua.
Theo ông Bảo, giả thiết ban đầu của Viện Vật lý địa cầu đưa ra là Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước có thể gây áp lực đến kết cấu địa chất, giống trường hợp Thủy điện Sông Tranh trước đây.
Theo ông Bảo, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu cũng nhận định Kon Tum nằm trên đới đứt gãy. Đây mới là giả thiết ban đầu về việc các công trình thủy điện trong quá trình tích nước có thể gây ra các trận động đất, như đã từng xảy ra ở thủy điện Sông Tranh. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra các trận động đất vừa qua có rất nhiều, có thể liên quan đến đới tự nhiên đứt gãy. Để nhận định rõ hơn, đoàn công tác với các chuyên gia nhiều lĩnh vực sẽ làm việc, nghiên cứu cụ thể trước khi có kết luận rõ ràng về động đất có phải do thủy điện tích nước hay không.
“Trước đây, thủy điện Hoà Bình, Sơn La khi tích nước cũng có xảy ra các trận động đất. Thủy điện Sông Tranh, trận động đất lớn nhất ghi nhận được đạt 4,7 độ richter. Các bộ ngành sẽ phải kiểm tra, làm rõ nguyên nhân cụ thể của các trận động đất xem có liên quan thủy điện Thượng Kon Tum không. Chúng tôi cũng đang đợi đoàn công tác của Ban chỉ đạo liên ngành để vào làm rõ nguyên nhân giúp ổn định đời sống của người dân trong vùng”, ông Bảo nói.
Về việc đảm bảo an toàn kỹ thuật cho các công trình thủy điện trên địa bàn Tây Nguyên cũng như cả nước, theo ông Bảo, việc kiểm tra an toàn hồ đập hằng năm là trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Kon Tum. Năm nay, theo thẩm quyền, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cũng đã có kế hoạch kiểm tra đánh giá an toàn của 45 hồ đập thủy điện lớn trên toàn quốc thuộc danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ quy định. Với thủy điện Thượng Kon Tum, việc kiểm tra nghiệm thu để đưa vào hoạt động chính thức sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).
“Với thủy điện Thượng Kon Tum, Cục Điện lực có trách nhiệm theo dõi, đánh giá trong quá trình xây dựng. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp theo dõi, đánh giá trong quá trình vận hành. Còn việc an toàn trong quá trình thi công thì vẫn phải phối hợp với UBND tỉnh để kiểm tra”, ông Bảo cho hay.
Phạm Tuyên