Đón Tết muộn ở ngoại ô Paris

Dàn nhạc nhí cùng Daniel chơi bài trống cơm.
Dàn nhạc nhí cùng Daniel chơi bài trống cơm.
TP - Dịp Tết Nguyên đán, người Việt tại Pháp vẫn phải bươn chải kiếm sống vì không có ngày nghỉ riêng theo phong tục châu Á. Nhập gia phải tùy tục. Năm nay, ngày 4/3, Hội Aurore – Sáng đứng ra tổ chức Tết Việt tại Arcueil ;  cũng giống nhiều nơi khác, cộng đồng người Việt phải tổ chức Tết khá muộn so với lịch ở quê nhà.

Arcueil - một thành phố nhỏ ven Paris, nơi cộng đồng người Việt cư trú khá đông. Người Việt đi đâu cũng có xu hướng quần tụ để chia sẻ nỗi buồn vui nơi xa xứ, để giúp đỡ nhau với quan niệm « tối lửa tắt đèn có nhau ». Aurore – Sáng là một tổ chức đoàn kết Pháp – Việt với mong muốn dùng văn hóa để nối kết cộng đồng và giới thiệu văn hóa Việt cho bạn bè thế giới. Hội tuy mới ra đời, nhưng đã tổ chức Tết với sự trợ giúp của nhóm phụ nữ Âu Phi và Hội những người con Đông Dương do ông Triệu Văn Thanh Nhã làm chủ tịch. Nhờ sự nhiệt tình của ban nhạc trẻ Âu Lạc, nhóm múa Thu Thảo, buổi đón Tết và ra mắt đã thành công tốt đẹp dù trời mưa gió lạnh bên ngoài. Cách đấy hai hôm, tuyết ngập châu Âu, Paris sau bao nhiêu năm mới có trận mưa tuyết dày hơn 20 cm. Một số người mê thể thao được dịp đi trượt băng thay bằng đi ô tô xe đạp trong thành phố. Nỗi buồn nhớ mùa xuân quê hương càng thấm khi người Việt tha hương vẫn lầm lụi lội tuyết đi làm.

Đón Tết muộn ở ngoại ô Paris ảnh 1 Bà Trần Thu Dung chủ tịch và Ông Gerard Moise tổng thư ký lên chúc mừng năm mới.

Cuộc sống nơi xứ người rất cần sự hòa nhập và nối kết cộng đồng. Người ta không thể đơn phương với một con thuyền độc mộc ra đại dương. « Một cây làm chẳng nên non », hội Aurore – Sáng đã mời một số đại diện các hội đoàn tiến bộ đến tham dự ngày Tết Việt : Ông Nguyễn Duy Tân - Chủ tịch hội liên kết Pháp ngữ, bà Dư Thu Trang - Chủ tịch hội Đặc sắc văn hóa Việt (Elite Culturelle du Vietnam) và ông Vũ Quang Kính - Cố vấn phong trào người Pháp gốc Việt (MCFV), bà Damarys Maa Marchand - Chủ tịch tập hợp phụ nữ Phi Âu.

Buổi đón Tết trong không khí đấm ấm với tình bạn bè Pháp - Phi - Á.  Sau lời chúc m ng năm mới của bà chủ tịch Aurore - Sáng Trần Thu Dung và của bà Damarys Maa Marchand, thiếu nữ  mang hai dòng máu Việt - Pháp Marie Anne Trần thướt tha trong chiếc áo dài vàng óng ả mở đầu với «Chào Việt Nam» của nhạc sĩ Marc Lavoine. Marie Anne Trần là cô gái đáng yêu lúc nào cũng tươi cười có mặt trong các hội đoàn để hát những bài hát về Việt Nam. Tiếng hát trong trẻo ngân lên « Tôi sẽ đến thăm quê hương Việt Nam, xin chào Việt Nam từ đáy lòng tôi … nơi tôi chỉ biết qua phim chiến tranh, tiếng gầm rú của trực thăng … Đất nước với những ngôi chùa … những chợ nổi… Tôi, cô gái mắt xếch đôi chân nhỏ…». Câu «Tôi sẽ đến thăm Việt Nam, …» như một điệp khúc chính là tâm trạng của chính Marie Trần cũng như bao đứa con sinh ra ở Pháp, nhưng mãi mãi muốn tìm về cội nguồn dân tộc, nơi cha mẹ mình lớn lên. Chiến tranh,  hoàn cảnh éo le đã đưa đẩy họ lưu lạc nơi xứ người.

Đón Tết muộn ở ngoại ô Paris ảnh 2 Múa quạt.

Sau đó là dàn nhạc dân tộc toàn nhạc công nhí gồm 11 em vừa trai vừa gái do Jacqueline và Daniel điều khiển. Tất cả khách đến dự trầm trồ bất ngờ khi thấy những em bé mang dòng máu Việt - Pháp say mê chơi nhạc cụ dân tộc Việt Nam dù sinh ra ở Pháp. Camille và Mai Ly chơi đàn Tây Nguyên; Xuân Bảo và Brian đàn bầu; Amy, Delphine, Emma, Lily đàn tranh; Léto và Nathan chơi trống. Cứ ngỡ những bài hát dân ca «Trống Cơm», «Bèo dạt mây trôi», «Lý kéo chài» sẽ không còn hấp dẫn ở nơi xứ người, vì ngay ở Việt Nam, rất ít trẻ thích hát bài này, giờ đây lại vang lên giữa thủ đô Paris ánh sáng.  Daniel điều khiển bộ trống với những chiếc mõ giống mõ tụng kinh. Trước khi biểu diễn, một giáo sư Piano người Pháp dạy ở nhạc viên Arcueil đã lên xem tận nơi từng cái nhạc cụ, và vui sướng vì lần đầu tiên được mắt thấy tai nghe. Ông Pierre - một cựu đạo diễn phim, từng tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tâm sự «Trước kia tôi chỉ thấy trên màn hình, bây giờ mới được tận hưởng, quả là kỳ diệu.  Một dây thôi, mấy khúc tre mà diễn tả được sự thổn thức của trái tim và tiếng rì rào của lá cây, tiếng gọi của mùa xuân ». Nữ nghệ sĩ Thanh Ngọc càng gây bất ngờ với cây đàn Klongput. Nhóm múa nữ gồm 7 chị em: Thu Thảo, Thảo Châu, Cathy Huệ, Hoa Sim, Hồng Vân, Thuý Hằng, Minh Thanh, đã chẳng quản khó khăn, trời mưa lạnh đi diễn giúp chùa xong, lại đến tham gia ngày Tết Việt. Thu Thảo - nữ bác sĩ tài hoa, vừa thổi sáo, vừa đạo diễn múa.

Đón Tết muộn ở ngoại ô Paris ảnh 3 Đấu karatedo.

 Đại đa số diễn viên tham gia vui Tết là nghiệp dư, ngày họ đi làm, chủ nhật hay tối mới có dịp gặp nhau để tập. Tất cả vì cộng đồng, vì một thế hệ nối tiếp. Không ai muốn cắt đứt rễ nơi mình sinh ra lớn lên. Tất cả như Daniel, Jacqueline, Thu Thảo… đều có khát vọng giữ hồn dân tộc và truyền đến một thế hệ sau những tinh hoa văn hóa chất lọc của ông cha từ bao nghìn năm để lại. Những người con dù chỉ còn chút giọt máu Việt như ông Gérard Moise đã nhiệt tình rủ bạn Pháp đến tham gia đóng góp màn Karaté đặc sắc.

Ngoài chương trình văn nghệ, khách đến dự còn được mời thưởng thức một vài món ăn đặc sản như nem, cơm rang, bánh phồng tôm…

Đón Tết muộn ở ngoại ô Paris ảnh 4 Marie Anne Trần biểu diễn bài “Chào Việt Nam”.

Vài phụ nữ người Việt, người Phi và cả người Pháp tham gia màn trình diễn trang phục dân tộc châu Phi và trang phục áo dài Việt. Đúng là vui như Tết. Bỗng xuất hiện màn ngẫu hứng dùng nón múa nhảy trong bài hát nổi tiếng ca ngợi sắc đẹp của phụ nữ châu Phi « Tôi yêu màu da em, màu cà phê». Nước Pháp xưa từng là thực dân ở châu Phi và Đông Dương. Giờ đây tất cả đã trở thành bạn. Văn hóa đã thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu không chỉ nối kết cộng đồng mà nối kết tình bạn khắp năm châu. 

Trời lạnh, nhưng những tiết mục văn nghệ đầy ắp tình quê hương làm ấm lòng người xa xứ. Aurore Sáng thực sự đúng với cái tên Bình Minh - Ánh Sáng đã tạo một sân chơi dù còn chưa hoành tráng nhưng đã giúp tỏa lan văn hóa Việt nơi xứ người. Khách ra về mong “Đến hẹn lại lên”.

MỚI - NÓNG