Dọn “rác trời” ảnh hưởng hàng nghìn thuê bao: Đổ lỗi cho nhau

Công ty chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội dọn “rác trời” trên phố Quang Trung. ảnh: Như Ý
Công ty chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội dọn “rác trời” trên phố Quang Trung. ảnh: Như Ý
TP - Ngày 11/7, tại cuộc họp về công tác sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi trên nhiều tuyến phố Hà Nội, các nhà mạng cho rằng do thời gian thực hiện quá gấp, nên xảy ra tình trạng cắt nhầm, cắt vô tội vạ, ảnh hưởng nhiều khách hàng. 

Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, từ 20 đến 28/6, phối hợp với Sở Xây dựng, Cty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội và các doanh nghiệp viễn thông tiến hành thanh thải, sắp xếp, bó gọn các đường dây cáp thông tin tại 8 tuyến phố Ngã Tư Sở-Nguyễn Lương Bằng-Tôn Đức Thắng, Trường Chinh-Láng-Tây Sơn, Trần Quang Khải, tuyến đê Yên Phụ, Xã Đàn, Hoàng Đạo Thúy, Quang Trung, Đào Duy Anh; từ 6 đến 9/7 triển khai tại 5 tuyến phố Nam Cao, Cát Linh, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ và Trần Quang Khải. “Quá trình thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi được triển khai trong thời gian qua đảm bảo mỹ quan đô thị, nhưng cũng khiến nhiều đơn vị sử dụng cáp viễn thông bị ảnh hưởng”, lãnh đạo Sở TT&TT nói. 


Theo Cty FPT Telecom doanh nghiệp đã chủ động chỉnh trang, sắp xếp lại các đường cáp của mình, nhưng do thời gian thực hiện quá gấp, nên không kịp xử lý. Ngoài ra, cũng có hiện tượng nhận nhầm, cắt nhầm đường dây của nhau, nên gây gián đoạn thông tin liên lạc. 

“Các nhà mạng đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng bỗng dưng bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến uy tín doanh nghiệp. Chúng tôi chịu sức ép lớn của khách hàng, trong đó có các cơ quan nhà nước, các tổ chức nước ngoài khi họ phản ánh về tình trạng các thuê bao internet, thuê bao điện thoại cố định bị gián đoạn”, đại diện FPT nói. 

Đại diện Cty CP NetNam và Truyền hình Cáp Việt Nam cho rằng, việc ra quân dọn “rác trời” không thể tiếp tục làm như đợt vừa qua, bởi phía Cty Chiếu sáng và thiết bị đô thị đã cắt toàn bộ cáp treo rồi vứt hết xuống đường “Đi cáp mất một tuần, nhưng cắt cáp thì chỉ cần một tiếng. Bên chúng tôi đã sớm đưa cáp vào gông vào giá đỡ, nhưng đơn vị chiếu sáng đô thị lại cắt toàn bộ, kể cả cáp mới vừa đưa lên. Việc này gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nhiều thuê bao của khách hàng”, đại diện NetNam bức xúc.

Bị cắt mới “kêu”

Đại diện Cty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội nói rằng, việc triển khai rất gấp, nên nhiều đơn vị chưa có thời gian để sắp xếp lại dây cáp. Tuy nhiên, Cty này cũng cho rằng, khi sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi, ngoài một số đơn vị chấp hành tốt, một số làm kiểu đối phó, buộc cơ quan chức năng thành phố phải cắt bỏ. 

Ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và công trình ngầm (Sở Xây dựng) nói rằng, trước khi triển khai, cơ quan chức năng đã thông báo với các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, internet..., để xác định các dây, cáp đang sử dụng, đồng thời để loại bỏ các đường dây, cáp thừa, không còn sử dụng.

“Nhưng khi triển khai thanh thải thì không thấy doanh nghiệp nào đến phối hợp. Nên nhiều khi Sở phải quyết định cho đơn vị thi công hạ dây để thanh thải, cắt bỏ. Lúc đó thì họ mới “kêu”. Qua đợt thanh thải này, trên 10 tuyến phố đã giảm được 70 - 80% dây cáp thừa, không còn dùng đến”, ông Hiếu nói. 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho rằng, hiện nay, rất nhiều dây, cáp bị treo không đúng kỹ thuật, chồng chéo, không đảm bảo khoảng cách an toàn, không có dấu hiệu nhận biết. Có đơn vị cứ có cột là treo, tận dụng cả cột chiếu sáng để treo dây, treo cáp. 

Đặc biệt, rất nhiều dây thừa, cáp thừa, không sử dụng. “Có tuyến phố, trong hàng chục đường dây, đường cáp thì chỉ có một vài sợi có tín hiệu, còn lại đã hỏng, không sử dụng, nhưng doanh nghiệp không dọn dẹp hay cắt bỏ. Chúng tôi đã thông báo để họ có kế hoạch tự kiểm tra đường dây, tự thanh lọc trước và cho người phối hợp cùng tại hiện trường để xử lý trường hợp bị gián đoạn thông tin khi thanh thải, sắp xếp”, ông Phong nói.

Lập đường dây nóng báo sự cố hạ tầng công cộng

Ngày 11/7, Sở TT&TT Hà Nội công bố đường dây nóng 04.38445566 để tiếp nhận thông tin phản ánh về các sự cố liên quan điện lực, viễn thông, cấp thoát nước, giao thông, chiếu sáng công cộng... 

Lãnh đạo Sở TT&TT cho biết, thông qua đường dây nóng này, người dân có thể cùng với cơ quan quản lý nhà nước phát hiện sự cố, đồng thời giám sát quá trình xử lý sự cố của các đơn vị liên quan. 

Nếu đơn vị quản lý trực tiếp công trình phát sinh sự cố mà xử lý chậm trễ hoặc không chịu xử lý theo đúng trách nhiệm, thẩm quyền thì người dân cũng có thể phản hồi về Sở.

MỚI - NÓNG