Dọn “rác trời”: Chú trọng mặt tiền - “bỏ qua” ngõ ngách

Ra quân dọn “rác trời” ở phố Quang Trung
Ra quân dọn “rác trời” ở phố Quang Trung
TP - Thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị 2014”, Hà Nội ra quân dọn “rác trời” với việc sắp xếp dây điện, cáp nổi trên các tuyến phố chính. Việc ra quân lần này có giúp cho bộ mặt đô thị bớt lem nhem? 

Bó lại, có hợp lý?

Tuyến phố Quang Trung là 1 trong 10 tuyến phố trung tâm được chọn làm thí điểm trong đợt ra quân thực hiện việc sắp xếp đường dây đi nổi trong tháng 6 và hoàn thành trong tháng 7. Tuy nhiên, mới ra quân được vài ngày nhưng việc triển khai đã gặp không ít khó khăn. 

“Công việc này khá phức tạp vì liên quan đến nhiều đơn vị chủ quản các đường dây. Đặc biệt, có rất nhiều loại dây treo của các đơn vị hiện không còn sử dụng mà bản thân họ cũng không biết là dây nào còn dùng, dây nào không dùng. Ngay cả khi có sự cố họ kéo luôn dây mới mà không sửa chữa hoặc cắt bỏ nên “rác trời” thêm trầm trọng”, đại diện Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội cho biết.  

Hiện công ty đã thống kê trên địa bàn TP có 6.332 cột đèn trên 273 tuyến phố đang có rất nhiều loại dây đeo bám. Công ty đã lập kế hoạch thực hiện tháo gỡ, bó dây đeo bám làm 3 giai đoạn trong đó ưu tiên các tuyến trung tâm khu vực nội đô. Ngoài ra, tiến hành thay thế các cột đèn chiếu sáng có đường dây đeo bám làm cong, nghiêng. Theo kiểm đếm của công ty hiện có 133 cột đèn chiếu sáng bị cong nghiêng sẽ được thay thế.

10 tuyến phố được chọn thí điểm thực hiện và hoàn thành trong tháng 7 gồm: phố Trần Quang Khải; Quang Trung; Ngô Thì Nhậm; Nguyễn Công Trứ; Nam Cao; Đào Duy Anh; Cát Linh; Xã Đàn; khu vực Ngã Tư Sở; Hoàng Đạo Thuý.

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, hiện nay trên các tuyến phố tình trạng dây cáp treo, chùng võng, không có phép gây mất mỹ quan và mất an toàn giao thông vẫn nhiều. Sở đã xây dựng các phương án thực hiện. 

Phương án thứ nhất; trên cơ sở hiện trạng chỉ sắp xếp lại các đường dây và bó gọn, kinh phí thực hiện ước khoảng 100 triệu/km; Phương án hai, bổ sung một số cột, xà đỡ, kinh phí thực hiện ước khoảng 2 tỷ/km; Phương án 3 là hạ ngầm, làm mới đồng bộ nhưng kinh phí rất đắt (mỗi tuyến từ 16 đến 18 tỷ đồng-PV).

“Trong đợt này chúng tôi chọn 10 tuyến phố có tính khả thi cao để thực hiện và hoàn thành trong tháng 7. Với giải pháp thanh thải toàn bộ các dây cáp, dây thông tin đi nổi đeo bám trên các cột chiếu sáng tại các tuyến phố đã được chỉnh trang, hạ ngầm đồng bộ. Đồng thời, sắp xếp, bó gọn các dây cáp, dây thông tin trên các tuyến phố chưa được chỉnh trang, hạ ngầm”. ông Dục cho biết. 

Làm phố chính, bỏ rơi ngõ ngách

Chủ trương xóa bỏ tình trạng “mạng nhện”, “rác trời” giăng phố đã được Hà Nội đề ra từ lâu. Riêng trong đợt chỉnh trang các tuyến phố cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, TP Hà Nội đã phê duyệt 29 dự án hạ ngầm đường dây đi nổi kết hợp với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật của một số tuyến phố. Tuy nhiên, sau thời điểm đó việc hạ ngầm đã bị gián đoạn, thậm chí người dân trên nhiều tuyến phố được hạ ngầm bắt đầu phản ánh sự bất cập của một số hạng mục thi công của các dự án hạ ngầm. 

Tại các khu đô thị mới chưa hạ ngầm, theo quy định chủ đầu tư phải thi công hệ thống hào, tuy nen kỹ thuật. Ngoài ra, tại những tuyến phố chưa có kế hoạch hạ ngầm đường dây, bắt buộc các đơn vị quản lý đường dây phải sắp xếp lại dây cho gọn gàng. Thế nhưng, đến nay hầu như ít doanh nghiệp thực hiện, trong khi cơ quan quản lý, giám sát cũng thờ ơ. 

Dọn “rác trời”: Chú trọng mặt tiền - “bỏ qua” ngõ ngách ảnh 1 Nhiều tuyến phố vẫn giăng đầy “rác trời”

Có thể nói, tình trạng “rác trời” không trừ một con phố nào, từ những tuyến phố mới mở đến những phố cũ, đặc biệt ở các ngõ ngách, khu dân cư, tình trạng này thực sự gây nhức nhối trong dư luận. Đã có nhiều trường hợp xảy ra chập cháy, thậm chí bị thương tật chỉ vì dây cáp, dây thông tin, dây điện bất ngờ rơi xuống, giăng ngang đường. 

Ông Trần Trọng Hiếu-Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và công trình ngầm (Sở Xây dựng) cho biết, hiện Hà Nội mới chỉ thí điểm hạ ngầm ở một số tuyến phố chính các quận nội thành, nên tình trạng các búi cáp, dây thông tin đi nổi vẫn lùng nhùng trên nhiều tuyến phố gây mất mỹ quan, an toàn giao thông cần sớm được giải quyết. 

Tuy nhiên, để làm được ngay rất khó vì kinh phí hạ ngầm quá lớn nên trước mắt sẽ chọn phương án sắp xếp, bó gọn dây và thanh thải toàn bộ các dây cáp, dây thông tin đi nổi bám trên các cột chiếu sáng.  

“Nếu thực hiện theo kế hoạch 49 của TP thì có khoảng trên 300 tuyến phố, còn ở các ngõ ngách, khu dân phố vẫn chưa tính đến. Trước mắt trong kế hoạch triển khai “Năm trật tự văn minh đô thị”, chúng tôi chọn các tuyến phố nội đô làm thí điểm rồi sau đó bàn giao cho các quận, huyện thực hiện để từng bước dọn sạch “rác trời” ở từng ngõ, ngách khu phố đang gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, cháy nổ...”, ông Hiếu nhấn mạnh. 

Triển khai kế hoạch ra quân dọn “rác trời”, Tổng Công ty điện lực Hà Nội cho biết, trong năm 2014 dự kiến sẽ bó lại 120 km đường dây hạ thế trong đó quý I và quý II đã thực hiện được hơn 40 km.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.