Đội tuyển Đức: Kiên định, hay cứng nhắc?

HLV Joachim Loew
HLV Joachim Loew
TPO - Hòa đã là đáng thất vọng. Hòa 0-0 với Ba Lan còn đáng thất vọng gấp đôi, đối với một hàng công được đánh giá cao như đội tuyển Đức. Và người ta có lý do để tự hỏi: Thực ra, HLV Joachim Loew đang tìm kiếm điều gì?

1. Đây là trận thứ hai liên tiếp, Mario Goetze được xếp ở vị trí cao nhất trên hàng công. Và cũng như trận ra quân, những dấu ấn của người hùng World Cup 2014 là vô cùng nhòa nhạt.

Chưa bao giờ, Goetze nổi danh trong tư cách là một chuyên gia vòng cấm, một trung phong săn bàn. Bắt anh phải len lỏi trong những trùng vây các hậu vệ lực lưỡng, ở tư thế quay lưng lại khung thành, đến lúc này, đã rõ là một thử nghiệm thất bại.

Hãy nhớ, anh mang về ngôi vô địch thế giới hai năm trước nhờ một màn đột kích từ phía dưới. Và hãy nhớ, nếu anh từng được xem là “Messi của nước Đức”, thì chính Messi cũng chỉ có thể chơi như một trung phong ảo.

Hai trận qua, có lẽ Goetze cũng là một trung phong ảo, nhưng theo một nghĩa khác, với một kết cục đáng buồn.

2.  Kết cục là Goetze phải nhường chỗ cho Schuerrle vào phút 66. Năm phút sau, Mario Gomez có mặt, lấy chỗ của Draxler. Kế hoạch phá sản, thử nghiệm chấm dứt, Die Mannschaft trở về với một đội hình mang tính truyền thống, với một trung phong đích thực trên tuyến đầu.

Song, mọi chuyện vẫn chẳng đi đến đâu. Sau hồi còi mãn cuộc, cả Neuer lẫn Boateng đều cáu kỉnh vì hiệu quả kém cỏi của các đồng đội phía trên. Thứ tinh thần Đức cổ điển vừa được khơi dậy qua bàn thắng của Bastian Schweinsteiger vòng trước lại lịm xuống.

Có thể mong đợi gì nhiều, từ những thay đổi mang tính vá víu?

Với Goetze, Mueller, Oezil và Draxler, hẳn là Joachim Loew ưu tiên những màn phối hợp nhỏ, những pha đột phá, những đường đi bóng từ hai sườn vào trung lộ. Cả một hệ thống vận hành theo cách ấy, phục vụ những mục tiêu ấy.

Nhưng, khi sử dụng Mario Gomez, điều quan trọng lại là độ “chịu chạy” của các cầu thủ, sự bám biên và chất lượng của các quả tạt (để anh có thể hoặc thực hiện những màn oanh tạc, hoặc làm cầu hàng không trung chuyển bóng). Hai lần thay người không thể đáp ứng đủ những đòi hỏi này, nhất là khi Howedes không phải là một chuyên gia đá cánh, trong khi Mueller lại thích đứng gần trung phong hơn là di chuyển ra sát biên phải.

3.  Chỉ có được một điểm đã có thể xem là thất bại. Tuy nhiên, những biểu hiện mất định hướng về mặt lối chơi còn đáng lo ngại hơn nhiều. Joachim Loew, khi tìm kiếm và áp dụng những ý tưởng sáng tạo, đã đi quá xa giới hạn của sự cân bằng.

Dù có mơ mộng đến đâu, một đoàn quân giàu tham vọng như Đức cũng phải nghĩ đến chiến thắng, và ưu tiên chiến thắng. Cách chiến thắng mệt nhọc và vất vả ở trận ra quân đáng lẽ đã phải trở thành một bài học đắt giá, để lập tức có những thay đổi.

Song, Loew dường như vẫn quá tin vào khả năng bùng nổ của các học trò. Ông phung phí không chỉ 65 phút mà là cả trận, nhằm thể hiện một sự kiên định. Có điều, với những gì đã diễn ra và khép lại, sự kiên định ấy trở nên cứng nhắc.

Còn một trận nữa của vòng bảng, liệu Loew còn để đoàn quân của mình nhập trận một cách chênh vênh như thế, với một trung phong thế vai?

MỚI - NÓNG