Đối thủ duy nhất, lâu dài của Washington

Các thủy thủ Mỹ trên tàu sân bay USS Carl Vinson, thường được điều đi thực hiện tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông Ảnh: US Navy
Các thủy thủ Mỹ trên tàu sân bay USS Carl Vinson, thường được điều đi thực hiện tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông Ảnh: US Navy
TP - Trong tài liệu chiến lược biển mới công bố ngày 17/12, quân đội Mỹ nói sẽ quyết liệt hơn với Trung Quốc và xác định Bắc Kinh là đối thủ duy nhất gây ra thách thức lâu dài cho Washington. 

Trong tài liệu đề ra mục tiêu cho hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên Mỹ trong năm 2021, Lầu Năm Góc nói rằng Trung Quốc đang thực hiện chính sách bành trướng trên Biển Đông và tìm kiếm bá quyền thông qua những chương trình như sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tài liệu  nói rằng Nga cũng tạo ra mối đe dọa với quân đội Mỹ, nhưng khẳng định “Trung Quốc là đối thủ duy nhất có đủ tiềm lực kinh tế và quân sự để tạo nên thách thức toàn diện và lâu dài cho Mỹ”.

“Các chiến dịch của hải quân và năng lực quân sự sẽ tập trung chống lại những hành vi xấu của Trung Quốc trên toàn cầu và tăng cường năng lực răn đe ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, tài liệu đăng trên USNI News nói.

Tài liệu nêu bất kỳ sự lạc quan nào cho rằng Trung Quốc có thể trở thành lãnh đạo có trách nhiệm đã phải nhường chỗ cho sự thừa nhận rằng họ là đối thủ, và Trung Quốc đại diện cho mối đe dọa vừa cấp bách vừa chiến lược lâu dài.

“Chúng ta phải hoạt động quyết đoán hơn để giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh mỗi ngày khi chúng ta duy trì trật tự dựa trên luật lệ và ngăn chặn các đối thủ theo đuổi sự hung hăng có vũ trang. Nếu các đối thủ leo thang thành xung đột, trở thành kẻ thù của chúng ta, chúng ta phải kiểm soát các vùng biển để khiến họ không đạt được mục tiêu, đánh bại lực lượng của họ, bảo vệ quê hương và bảo vệ các đồng minh của chúng ta”, tài liệu viết.

Tài liệu được công bố khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây ra lo lắng về nguy cơ xảy ra chiến tranh nóng.

Trung Quốc có yêu sách với hầu hết các đảo trên Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Để đối phó với Trung Quốc, Mỹ đưa tàu chiến đến khu vực thường xuyên hơn để thực hiện các hoạt động khẳng định tự do hàng hải.

Tài liệu của Mỹ nói rằng Trung Quốc đã triển khai một hạm đội nhiều lớp, bao gồm hải quân, hải cảnh và dân quân biển để phủ nhận chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước khác trong khu vực và thực thi các yêu sách trái pháp luật của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đang phát triển lực lượng tên lửa lớn nhất thế giới, với năng lực hạt nhân, được thiết kế để có thể tấn công Mỹ và các lực lượng đồng minh của Mỹ ở đảo Guam và ở Viễn Đông.

Tài liệu khẳng định hải quân Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở Thái Bình dương, nơi họ sẽ “phát hiện và ghi chép những hành động vi phạm  luật quốc tế, đánh cắp tài nguyên và xâm phạm chủ quyền của các nước khác”.

“Các hệ thống tầm xa và vũ khí siêu vượt âm của chúng ta sẽ tạo nên năng lực tấn công toàn cầu nhắm vào các mục tiêu trên biển”, tài liệu khẳng định.

Chờ đợi ông Biden

Tuy nhiên, chính sách của chính quyền tiếp theo của ông Joe Biden với Trung Quốc, bao gồm vấn đề Biển Đông, vẫn còn là dấu hỏi.

Có lẽ không nơi nào mà quân đội Mỹ và Trung Quốc giáp mặt nhau gần hơn ở Biển Đông.  Khu vực này chắc chắn sẽ tiếp tục là một trong những điểm nóng giữa hai nước dưới thời chính quyền Mỹ tiếp theo của ông Joe Biden. Cho đến nay, ông Biden vẫn chưa đưa ra nhiều manh mối về kế hoạch đối với Biển Đông. Một số câu hỏi đang được nghĩ đến là, nếu có được sự hợp tác lớn hơn của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên đòi hỏi Mỹ phải giảm bớt chỉ trích sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, liệu ông Biden có xuống nước? Nếu hạn chế về ngân sách buộc ông phải chọn giữa mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương với bên kia là tăng cường đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nước, ông sẽ chọn bên nào?

Tài liệu cho biết Mỹ sẽ tăng cường các quan hệ đồng minh và đối tác, rằng các đồng minh sẽ “cung cấp địa điểm để Mỹ thiết lập kiểm soát trên biển và thể hiện sức mạnh”. 


MỚI - NÓNG