Đối thủ của Credit Suisse muốn Chính phủ Thuỵ Sĩ chi 6 tỷ USD bảo đảm cho thương vụ sáp nhập 'khủng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBS AG đang kiến nghị Chính phủ Thuỵ Sĩ chịu khoảng 6 tỷ USD chi phí nếu ngân hàng này mua lại Credit Suisse, trong bối cảnh hai ngân hàng lớn nhất của Thuỵ Sĩ đang đàm phán thoả thuận nhằm khôi phục niềm tin.
Đối thủ của Credit Suisse muốn Chính phủ Thuỵ Sĩ chi 6 tỷ USD bảo đảm cho thương vụ sáp nhập 'khủng' ảnh 1

Logo của UBS và Credit Suisse bên ngoài một toà nhà ở Thuỵ Sĩ. (Ảnh: AP)

Ngân hàng Credit Suisse 167 năm tuổi là cái tên lớn nhất rơi vào cuộc khủng hoảng ngân hàng từ sau sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank và Signature Bank, khiến cổ phiếu toàn ngành ngân hàng chao đảo và giới chức phải vội vã tìm các biện pháp bảo đảm hoạt động cho các tổ chức tài chính.

UBS và Credit Suisse là hai ngân hàng lớn nhất của Thuỵ Sĩ.

Khoản 6 tỷ USD mà UBS muốn Chính phủ Thuỵ Sĩ trang trải là để phục vụ việc thu hồi các phần của Credit Suisse và chi phí pháp lý nếu xảy ra kiện tụng, Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết.

Theo một nguồn tin, quá trình đàm phán giải quyết khủng hoảng niềm tin ở Credit Suisse đang vấp phải nhiều trở ngại đáng kể, và sẽ có khoảng 10.000 việc làm bị cắt giảm nếu hai ngân hàng này gộp lại.

Các cơ quan quản lý Thuỵ Sĩ đang chạy đua tìm ra một giải pháp cho Credit Suisse trước khi thị trường mở cửa ngày 20/3, nhưng những vấn đề phức tạp khi gộp 2 tổ chức tài chính lớn như vậy khiến tiến trình đàm phán có thể kéo dài hơn, một nguồn tin cho biết.

Credit Suisse, UBS và Chính phủ Thuỵ Sĩ từ chối bình luận.

Các cuộc đàm phán hối hả diễn ra sau một tuần tàn khốc đối với chứng khoán ngành ngân hàng và những nỗ lực trên khắp châu Âu và Mỹ để cứu vãn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden chấp nhận bảo đảm tiền gửi của khách hàng, còn Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ cho Credit Suisse vay hàng tỷ đô la để ổn định bảng cân đối kế toán.

UBS chịu áp lực từ Chính phủ Thuỵ Sĩ phải tiếp quản đối thủ để ổn định tình hình. Kế hoạch này có thể khiến các hoạt động kinh doanh của Credit Suissee bị tách ra.

Thuỵ Sĩ đang chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp để đẩy nhanh kế hoạch mua lại, Financial Times dẫn các nguồn tin nắm được tình hình cho biết.

Giới chức Mỹ cũng tham gia, bằng cách phối hợp với Thuỵ Sĩ để thúc đẩy thoả thuận, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey trao đổi liên tục trong những ngày qua về số phận của Credit Suisse.

Credit Suisse là một trong những tổ chức quản lý tài sản lớn nhất thế giới và là một trong 30 ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống toàn cầu. Sự sụp đổ của ngân hàng này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tài chính của thế giới.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.