Hai ngân hàng sụp đổ: Chính quyền Mỹ nghe ngóng thêm sau 'phát súng' đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giới quản lý Mỹ có thể để các biện pháp khẩn cấp vừa áp dụng hôm 12/3 củng cố niềm tin của giới đầu tư và tập trung tăng cường giám sát toàn ngành trước khi can thiệp sâu hơn, các chuyên gia nhận định.
Hai ngân hàng sụp đổ: Chính quyền Mỹ nghe ngóng thêm sau 'phát súng' đầu tiên ảnh 1

Bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 13/3. (Ảnh: Reuters)

Nỗi lo sợ vẫn thể hiện ở Phố Wall trong ngày đầu tuần, bất chấp các biện pháp khẩn cấp được đưa ra từ cuối tuần qua để ứng phó với cú đổ bể của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở California và Signature Bank ở New York. Giá cổ phiếu ngành ngân hàng giảm sâu, chỉ số S&P 500 kết thúc ngày giao dịch 13/3 với mức giảm 7%, sâu nhất kể từ tháng 6/2020.

Một số nhà đầu tư kêu gọi giới quản lý phải hành động nhiều hơn nữa để trấn an thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng cho rằng cơ quan quản lý có thể sẽ muốn chờ xem quy mô của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến mức độ nào trước khi quyết định biện pháp mới.

“Tất cả phụ thuộc vào tình hình. Điều họ sẽ làm phụ thuộc vào mức độ sáng tạo của họ”, Saule Omarova, một giáo sư ngành luật tại Trường Luật Cornell, nhận định.

Một số chuyên gia cho rằng, đã có một số dấu hiệu cho thấy biện pháp can thiệp đang phát huy tác dụng.

“Cần chú ý là chúng ta chưa thấy thất bại nào nữa trong ngành ngân hàng trong 1 ngày qua. Ít nhất một trong các mục tiêu của họ đã đạt được, đó là trấn an những người hoảng sợ”, Young Kim, một luật sư về ngân hàng tại hãng luật Clifford Change, đánh giá.

Tuy nhiên, các nhà quản lý có thể sẽ tập trung vào những lỗ hổng về giám sát, dẫn đến tình trạng các ngân hàng rơi vào rủi ro không bền vững.

Michael Barr, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phụ trách về giám sát, đang tiến hành đánh giá lại quy định về vốn của ngân hàng. Ngày 13/3, Fed thông báo đang đánh giá nội bộ về việc giám sát SVB.

Trước khi SVB đổ bể, các ngân hàng nỗ lực vận động nhiều nghị sĩ phản đối quy trình đánh giá của Fed, cho rằng điều này sẽ làm chậm nền kinh tế. Tuy nhiên, một người vận động hành lang cho biết, những sự kiện diễn ra trong mấy ngày qua khiến “Michael Barr có thể xoay theo bất kỳ hướng nào ông ấy muốn”.

Nhiều chuyên gia cho rằng các công cụ vừa được áp dụng, bao gồm bảo đảm về tiền gửi tại 2 ngân hàng sụp đổ, và hỗ trợ của Fed để giúp các ngân hàng tăng tính thanh khoản với điều kiện hấp dẫn, đang dần bình ổn tâm lý thị trường.

SVB sụp đổ vài ngày sau khi ngân hàng này thông báo huy động vốn để bù lỗ do lãi suất tăng, và khoản tiền gửi không được bảo đảm cực kỳ cao bị rút ra nhanh chóng.

Theo các chuyên gia, những biện pháp công bố hôm 11/3 giúp giải quyết cả 2 vấn đề này, giúp các ngân hàng tiếp cận quỹ khẩn cấp và bảo đảm tiền gửi cho khách hàng.

Một số bước đi quyết liệt, như nâng mức tiền gửi được bảo hiểm cao hơn trần 250.000USD, sẽ đòi hỏi Quốc hội thông qua luật mới. Tuy nhiên, triển vọng này không chắc chắn vì chính phủ đang chia rẽ và các nhà hoạch định chính sách không thống nhất về các bước đi tiếp theo.

“Fed và Bộ Tài chính đã nổ súng. Tôi nghĩ vấn đề hiện nay là sự ổn định của thị trường”, Mark Sobel, cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ và hiện là chủ tịch tổ chức nghiên cứu tài chính OMFIF tại London, nhận định.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
'Làm lụng bao năm nhưng chỉ một trận lũ là trắng tay'
'Làm lụng bao năm nhưng chỉ một trận lũ là trắng tay'
TPO - Mưa kéo dài trên diện rộng đã khiến mực nước sông Cầu, sông Cà Lồ lên cao gây ngập lụt nhiều thôn, xóm ven sông trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đến trưa 12/9 nhiều thôn ở xã Việt Long vẫn chìm trong biển nước, có người dân ngậm ngùi chia sẻ: "Làm lụng, tích họp nhiều năm nhưng chỉ cần một trận lũ về là trắng tay"