Đối thoại với nông dân, Thủ tướng nhắn: ‘Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, người nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị.

Chiều 30/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị

Tại cuộc đối thoại, bà Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu muốn sản xuất lớn, người nông dân bắt buộc phải liên kết với nhau thông qua các HTX. Vậy Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy phát triển kinh tế HTX trong đề án nói trên?

Đối thoại với nông dân, Thủ tướng nhắn: ‘Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau’ ảnh 1

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam.

Nhắc lại câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, yêu cầu đặt ra là phải liên kết.

“Vừa qua, chúng ta đã xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật HTX sửa đổi. Quốc hội ban hành các luật, Chính phủ ban hành các nghị định, các bộ ban hành các thông tư để tạo hành lang pháp lý cho nông dân liên kết, hình thành, phát triển các hợp tác xã”, Thủ tướng nói.

Ngoài Trung ương, Thủ tướng cho rằng, các địa phương cũng phải tham gia cùng người nông dân thành lập các hợp tác xã với sản phẩm phù hợp, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cùng nhau phát triển thương hiệu của vùng, địa phương…

“Người nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, từ đó các HTX cạnh tranh lành mạnh; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tiến hành xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại”.

Sẽ có gói tín dụng ưu đãi khi tham gia đề án lúa chất lượng cao

Đề cập đến Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Bùi Văn Tuấn – Giám đốc HTX Nông nghiệp Cây Trôm (Long An), mong muốn cho biết về những chính sách để hỗ trợ nông dân tham gia.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết để thực hiện Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tín chỉ xanh, ngoài gói hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, còn có sự tham gia của các tổ chức khác. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những gói tín dụng riêng cho các doanh nghiệp và các HTX tham gia. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ logistic, kho lưu trữ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Đối thoại với nông dân, Thủ tướng nhắn: ‘Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau’ ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc đối thoại.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải tư duy lại, trồng lúa không nhất thiết là bán lúa, vì Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với nông nghiệp tuần hoàn từ thân lúa, vỏ lúa, tro, trấu, đưa ngành lúa gạo thành ngành hàng tích hợp đa giá trị, tuần hoàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển nông nghiệp cần 5 thành tố quan trọng: Thương hiệu; quy hoạch; doanh nghiệp; ngân hàng; ứng dụng khoa học công nghệ. Trước hết phải có thương hiệu (như gạo của kỹ sư Hồ Quang Cua đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được giá nhất thế giới).

Cùng với đó, phải quy hoạch vùng nguyên liệu để bảo đảm sản xuất ổn định, đủ sản lượng theo thị trường. Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào, lo đầu ra cho nông dân. Ngân hàng cung cấp nguồn vốn với ưu đãi phù hợp. Khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm. Để có những yếu tố này, người nông dân phải có đề án cụ thể theo quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh thì các bên mới có thể tham gia hợp tác, hỗ trợ.

Liên quan tới câu hỏi về giảm phát thải, Thủ tướng cho biết sản xuất nông nghiệp có phát thải nhưng nếu trồng rừng có thể hấp thụ carbon. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, vừa hạn chế phát thải, vừa tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Tại hội nghị đối thoại, nông dân Y Pốt Niê (buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Anna, tỉnh Đắk Lắk) hỏi về giải pháp của Chính phủ để khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển từ tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước khi nói về Chính phủ giúp gì cho nông dân cũng cần trả lời nông dân giúp gì cho nhau. Điều này cũng chính là tinh thần đề cao kinh tế tập thể mà Đảng, Nhà nước, Bộ NN&PTNT cũng như Hội Nông dân Việt Nam đang tích cực trợ giúp, hướng dẫn các hội viên, nông dân tham gia.

Chỉ khi tham gia kinh tế tập thể, chúng ta mới cùng nhau phát triển được nền nông nghiệp đa giá trị.

Theo ông Hoan, hiện nay hầu hết các giải pháp để phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” đều đã được đề cập và nhấn mạnh trong Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh giải pháp nâng cao năng lực của người nông dân.

Việt Nam là đất nước có diện tích canh tác bình quân/hộ sản xuất rất nhỏ, mà diện tích nhỏ thì chi phí càng lớn. Để giải quyết bài toán này, ông Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đang cùng các doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ bà con để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn. Ví dụ, ngành nông nghiệp đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên. Các doanh nghiệp đang đầu tư rất lớn vào giống, vật tư nông nghiệp để cùng nông dân tạo ra những vùng nguyên liệu chất lượng.

MỚI - NÓNG