Đối phó với cơn tức giận

Đối phó với cơn tức giận
TPO – Sự giận dữ không những tổn hại tinh thần mà còn có hại cho sức khỏe. Cùng tham khảo những cách hiệu quả để cơn giận nhanh chóng được xoa dịu:

> Đập phá hàng hiệu để xả stress

Đối phó với cơn tức giận ảnh 1

- Đi ra nơi khác: Nếu bạn đang ở trong một cuộc nói chuyện mà bạn biết rằng chỉ ít phút nữa thôi, nó sẽ trở thành một “trận chiến nảy lửa” và rất có thể những người trong cuộc sẽ làm tổn thương nhau, thì cách tốt nhất là nên lịch sự nói với người đối diện là bạn cần đi ra chỗ khác để nghỉ ngơi một lúc.

- Viết ra: Đôi khi, bạn cảm thấy thật bực bội và một trong những cách tốt nhất để “hạ hỏa” chính là viết ra, có thể là trên giấy hoặc gõ máy tính. Hoặc viết một bức thư cho người làm bạn tức giận, trong đó nói lý do vì sao họ khiến bạn cảm thấy như vậy, và đừng quên nói họ có thể làm gì để bạn vui hơn. Khi đã viết ra rồi, nếu bạn cảm thấy khá hơn, hãy xé bức thư vừa rồi và quẳng đi. Và nếu bức thư không có lời lẽ gì nghiêm trọng, bạn có thể gửi cho người cần gửi.

- Nói ra điều mình nghĩ: Người làm bạn giận dữ rất có thể đã không nhận ra chính họ là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy như vậy. Cách đơn giản và hiệu quả là trực tiếp nói với họ điều bạn nghĩ, bằng cách lịch sự, ngắn gọn, không xúc phạm, không gây gổ, họ sẽ nhanh chóng hiểu điều bạn nói.

- Hét thật to: Đối với những người khó kiềm chế cơn giận, tốt nhất là đi vào phòng riêng hoặc nhà tắm, hét thật to, chầm chậm hít vào thở ra. Các nhà khoa học cho biết hét lớn cũng là một cách để giải phóng cơn stress.

- Đếm số: Khi cảm thấy mình không thể chịu đựng được nữa,hãy nhắm mắt và đếm nhẩm trong đầu từ 1 đến 10, cơn giận sẽ từ từ được xoa dịu.

- Nhờ người thân và bạn bè giúp đỡ: Nếu bạn thường xuyên cảm thấy bực bội, lúc nào cũng như muốn nổi đóa và hầu như không thể kiềm chế sự tức giận, có thể bạn đang gặp trục trặc nào đó về tâm lý. Đừng ngần ngại tâm sự, chia sẻ với người thân và bạn bè, hoặc đến gặp bác sĩ tâm lý để cải thiện tình hình nhé!

Trang Thu
Theo Yein

Theo Dịch
MỚI - NÓNG