Đối phó bốn bệnh dịch

Đối phó bốn bệnh dịch
TP - Đó là bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A và bệnh dại do bị chó dại cắn. Những bệnh này đều đang lây lan, số ca mắc tăng nhanh.

> Gia tăng số ca mắc bệnh tay chân miệng
> Tháng 9, thêm 13.000 ca mắc sốt xuất huyết

Trẻ bị bệnh tay, chân, miệng nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM. Ảnh: TTXVN
Trẻ bị bệnh tay, chân, miệng nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM. Ảnh: TTXVN.

Dịch bệnh bùng phát và biến đổi

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua, ngày 20-10, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa các ngành y tế, GD&ĐT, NN&PTNT và 63 tỉnh nhằm bàn các biện pháp khống chế dịch bệnh và giảm tỷ lệ tử vong.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị về công tác phòng, chống dịch bệnh
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang đối mặt nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện và bùng phát bệnh truyền nhiễm gây dịch khi một số chủng virus như cúm A/H5N1, Corona luôn tiềm ẩn sự biến đổi nguy hiểm; một số bệnh đã được khống chế, nhưng gần đây lại bị biến đổi, thậm chí kháng thuốc, như sốt rét.

Ngoài ra các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tả, viêm màng não mô cầu, rubella luôn có nguy cơ bùng phát. Bên cạnh đó các bệnh lây truyền từ vật sang người có xu hướng gia tăng, trong khi việc giải quyết mầm bệnh trên động vật nuôi còn nhiều bất cập.

Tích lũy từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 63 địa phương. Trong đó đã có 46 trường hợp tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết cũng có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực miền Nam và miền Trung. So với cùng kỳ năm 2011, số ca mắc tắc tăng 19% và tử vong tăng 12 %.

Với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 110.000 ca, với 41 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. Riêng 2 tuần đầu tháng 10 ghi nhận thêm 6.000 người mắc và 1 ca tử vong. Đã có 4 trường hợp mắc cúm A, 2 trong số đó đã tử vong.

Đặc biệt tình hình chó dại cắn lây bệnh dại cho người đang bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc.

Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 74 ca tử vong do chó dại cắn tại 21 tỉnh, thành phố, mà dẫn đầu là tỉnh Sơn La 17 ca, Phú Thọ 12 ca, Yên Bái, Hà Giang có từ 8-9 ca tử vong. Riêng tỉnh Lai Châu, trong hai năm, số người bị cho dại cắn là 4.000 người trong đó có 5 trường hợp tử vong ...

Báo cáo tại hội nghị, ngành y tế tỉnh Nghệ An cho biết trong 9 tháng đầu năm 2012, tỉnh này không có dịch lớn, chỉ xuất hiện một số dịch bệnh như dịch sốt xuất huyết denge, bệnh Tay- Chân- Miệng, tiêu chảy, quai bị.

Ngành y tế đã phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch bệnh ở các tuyến nên đã nhanh chóng dập dịch, không để lây lan và điều trị bệnh có kết quả tốt.

Tại Quảng Ngãi, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh, hiện ghi nhận 442 ca, không có tử vong, tăng hơn 53 ca so với cùng kỳ năm trước.

Hội chứng viêm da dày sừng bày tay bàn chân tại huyện Ba Tơ đến nay đã có 216 trường hợp, 13 trường hợp tử vong. Số ca mắc mới cao nhất là vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, ngành y tế chưa có cơ sở xác định quy luật rõ ràng về thời điểm mắc bệnh cao nhất, cũng như nguyên nhân gây bệnh.

Cán bộ dự phòng hướng dẫn trẻ Trường Mầm non thị trấn Phú Thứ (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh TCM. Ảnh: TTXVN
Cán bộ dự phòng hướng dẫn trẻ Trường Mầm non thị trấn Phú Thứ (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh TCM.  Ảnh: TTXVN.

Đầu tư cho y tế dự phòng: thiếu và chậm 

Hiện nay công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm còn gặp nhiều khó khăn do nhân lực thiếu cả về chất lượng và số lượng, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đạt yêu cầu.

Người dân chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chưa tự giác khai báo khi nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và đến cơ sở y tế để khám, phát hiện kịp thời.

Quy mô chăn nuôi nhỏ bé làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh từ vật sang người. Dịch bệnh đang nhiều nguy cơ, nhưng mức đầu tư cho y tế dự phòng còn chậm, làm giảm khả năng xử lý khi dịch bệnh bùng phát. Thậm chí nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ ngành ưu tiên phòng, chống 4 loại dịch có nguy cơ lớn nhất là: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh cúm và bệnh dại.

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát, quản lý việc vận chuyển gia cầm ở các địa phương trong cả nước và ra vào biên giới nước ta phải được thắt chặt, tránh tình trạng lây lan, bùng phát dịch cúm ở người.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013.

Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2013, tập trung vào mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra.

Trong đó, tập trung vào các dịch bệnh: tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, rubella, sốt rét, bệnh dại, các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và một số bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.