Đổi mới giáo dục bắt đầu từ khâu đào tạo

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ khâu đào tạo
TP -Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa triệu tập hiệu trưởng 6 trường ĐH sư phạm để giao nhiệm vụ đổi mới căn bản hoạt động của nhà trường để làm động lực đổi mới giáo dục chung của đất nước trong đó có Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

> Xây dựng Đại học Quốc gia đạt chuẩn quốc tế
> Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đồng tiền đã xuyên cả vào giáo dục, y tế

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trao đổi với Tiền Phong, PGS TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết:

Đào tạo và đào tạo lại là hai nhiệm vụ quan trọng, cơ bản của các trường sư phạm trong công cuộc đổi mới toàn diện căn bản giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, công việc của trường chúng tôi còn liên quan đến khâu xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa. Một lực lượng lớn cán bộ, giảng viên của nhà trường tham gia nhiệm vụ này. Muốn đổi mới gì đi chăng nữa thì phải bắt đầu từ sự đổi mới của bản thân các trường sư phạm. Thay đổi chính mình là cái khó khăn nhất. Nhưng chúng tôi xác định đó là nhiệm vụ sống còn, bắt buộc phải thực hiện.

Nhiệm vụ đào tạo và đào tạo lại được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chuẩn bị như thế nào?

Hiện chúng tôi đã xác định việc đào tạo và đào tạo lại cần phải tiếp cận theo hướng làm thế nào để sau này khi ra trường sinh viên đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực cho học sinh.

Đào tạo ở các trường sư phạm không đủ số lượng giáo viên mới đáp ứng ngay được nhiệm vụ đổi mới. Vì thế chúng tôi phải chuẩn bị để khi đề án được bắt đầu thực hiện thì có thể bồi dưỡng được đội ngũ rất đông đảo giáo viên đang công tác hiện nay. Việc bồi dưỡng cần được triển khai bằng nhiều hình thức, vì chúng tôi không thể triệu tập tất cả về trường để đào tạo lại. Chẳng hạn như bồi dưỡng qua mạng, bồi dưỡng trực tuyến. Giáo viên chỉ cần có một chiếc điện thoại di động kết nối mạng internet là có thể tải các phần mềm bồi dưỡng. Các hình thức bồi dưỡng này hiện chúng tôi đã triển khai.

Triệu tập cùng lúc sáu hiệu trưởng sáu trường ĐH sư phạm, hẳn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong muốn có sự thống nhất cùng hợp lực hành động…

Chúng tôi, sáu trường sư phạm lớn của cả nước, phải thống nhất trong hành động. Thứ Bảy tới, sẽ có cuộc gặp gỡ giữa hiệu trưởng các trường sư phạm trong cả nước để trao đổi thẳng thắn với nhau, sau đó đi đến thống nhất ý kiến để góp ý và báo cáo với Bộ GD&ĐT nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Hiện nay thách thức nào là lớn nhất với Trường ĐH Sư phạm khi tham gia thực hiện đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục?

Như tôi đã nói, vượt qua được chính mình, thay đổi được thói quen trong khi chúng ta đang tư duy theo lối mòn là rất khó. Cần phải tìm được tiếng nói đồng thuận ở mức độ cao nhất. Vừa rồi chúng tôi cho mở thảo luận tại các khoa, cuối tháng 12 này sẽ có một hội thảo chốt ở cấp trường. Quan trọng nhất là phải tạo ra được sự đồng thuận.

Về đội ngũ chuyên gia, nhà trường có gặp khó khăn?

Biên chế hiện tại của chúng tôi có 15 giáo sư, 127 phó giáo sư, 256 tiến sĩ trên tổng số khoảng 800 giảng viên. Như vậy chúng tôi có đủ đội ngũ để làm việc. Tuy nhiên chuyên gia không chỉ là người giỏi trong một lĩnh vực mà ngoài chuyên môn ra họ phải có đầu óc tổng thể, có khả năng xây dựng những chiến lược lớn của nhà trường cũng như của ngành.

Tôi nghĩ để có một chuyên gia thực sự thì phải mất 10-15 năm. Không phải mình muốn xây dựng là được mà trước hết bản thân cán bộ giảng viên có năng lực, từ đó với cương vị là lãnh đạo mình có trách nhiệm tạo điều kiện để họ phát triển về nhiều mặt: tầm nhìn, chiến lược, chuyên môn, thậm chí cả về ngoại ngữ… Với lộ trình này, những người trẻ hiện nay thành chuyên gia cũng mất ít ra 5-7 năm.

Cảm ơn PGS TS Nguyễn Văn Minh!

Sáu trường được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trực tiếp giao nhiệm vụ đầu tàu triển khai đề án đổi mới gồm: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Quý Hiên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG