Đòi “dao kéo” cho thí sinh nhan sắc

Thứ trưởng Vương Duy Biên: “Nếu cho phép thí sinh dao kéo tràn lan, không cẩn thận sẽ biến thành sân chơi riêng của những người có tiền”. Ảnh: H.S.
Thứ trưởng Vương Duy Biên: “Nếu cho phép thí sinh dao kéo tràn lan, không cẩn thận sẽ biến thành sân chơi riêng của những người có tiền”. Ảnh: H.S.
TP - Tại hội thảo do Bộ VH-TT&TT, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại Đà Nẵng sáng 20/10, đại diện nhiều đơn vị tổ chức thi người đẹp đề nghị cho phép thí sinh được “dao kéo” (giải phẫu/can thiệp thẩm mỹ).
Đòi “dao kéo” cho thí sinh nhan sắc ảnh 1

Thứ trưởng Vương Duy Biên: “Nếu cho phép thí sinh dao kéo tràn lan, không cẩn thận sẽ biến thành sân chơi riêng của những người có tiền”. Ảnh: H.S.

Hội thảo do Thứ trưởng Vương Duy Biên chủ trì, có cái tên khá dài “Phát huy mặt tích cực của hoạt động thi người đẹp, người mẫu góp phần quảng bá nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”. Tuy nhiên cũng nhằm đóng góp ý kiến vào Nghị định về biểu diễn nghệ thuật, thời trang, thi người đẹp… đang được điều chỉnh.

Dao kéo thẩm mỹ thu hút nhiều ý kiến cũng phải. Bởi ngay tại báo cáo đề dẫn hội thảo của Cục Nghệ thuật biểu diễn, dòng đầu tiên của mục các mặt tồn tại, hạn chế, ghi “Nhiều cuộc thi người đẹp thế giới chấp nhận việc thí sinh can thiệp, chỉnh sửa thẩm mỹ (ở một giới hạn nhất định), trong khi các quy định của pháp luật Việt Nam đang có hiệu lực chưa chấp nhận điều này, vẻ đẹp thí sinh bắt buộc phải là tự nhiên, chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ. Sự khác biệt này phần nào làm giảm cơ hội đăng quang cho các thí sinh Việt Nam, vì vẻ đẹp sau thẩm mỹ vẫn có sự đạt chuẩn hơn so với vẻ đẹp tự nhiên”.

Ông Trần Ngọc Nhật, Phó TGĐ Cty Cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn – đơn vị đang tổ chức thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam, cho rằng “vẻ đẹp tự nhiên” là khái niệm tương đối rộng, không có quy định cụ thể, rõ ràng. Thế giới có những cuộc thi cho phép, và không cho phép giải phẫu thẩm mỹ (GPTM). Vậy nên chúng ta cũng không nên quy định cứng nhắc, mà tùy theo mỗi cuộc thi mà cho phép hoặc không cho phép GPTM.

Đồng tình với ý kiến trên là nhà thiết kế áo dài Võ Việt Chung – người khởi xướng và là Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Đại Dương Việt Nam, và bà Võ Thị Xuân Trang, Hiệu trưởng trường John Robert Powers Việt Nam (TP HCM).

“Thí sinh Việt Nam rất thiệt thòi tại nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế vì không được can thiệp, giải phẫu thẩm mỹ. Tại sao lại khó khăn đến vậy?”, ông Chung nói , “ví dụ như em đó bị té gãy cái răng, muốn đi thi thì phải làm sao?. Nghị định mới nên chỉnh sửa”.

Bà Võ Thị Xuân Trang bổ sung, do điều kiện của Việt Nam nên nhiều em thiệt thòi ít có hàm răng đẹp tự nhiên. Có thể không chấp nhận làm mới hoàn toàn, nhưng nếu chỉnh sửa một lỗi nào đó thì nên cho phép. Cũng như gương mặt, “đập ra làm lại” là không được, nhưng nên cho phép can thiệp thẩm mỹ để chỉnh sửa một khiếm khuyết nào đó.   

Còn tranh cãi

Dù là đang lấy ý kiến tham khảo sửa đổi Nghị định, nhưng Vụ trưởng Pháp chế của Bộ, ông Hoàng Minh Thái vẫn thẳng tưng ý kiến của mình: “Người có giải phẫu thẩm mỹ với người để tự nhiên đi thi chung với nhau là không công bằng. Còn nếu tất cả đều giải phẫu thẩm mỹ đi thi, thì là cuộc thi… tay nghề của các bác sĩ thẩm mỹ, chứ còn gì nữa!”.

Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn, lăn tăn: “Đây là bài toán khá hóc búa, nhưng vẫn phải đề ra. Ban tổ chức các cuộc thi rất vất vả với kiểm tra nhân trắc, nhưng nếu không làm vậy sẽ đánh mất đi ý nghĩa lớn nhất của cuộc thi là lựa chọn và tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ Việt. Còn nếu cho phép can thiệp thẩm mỹ, thì sẽ dẫn đến cuộc đua tạo hiệu ứng trái chiều”.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, Nghị định sẽ không quy định tỉ mỉ “sửa răng thì được, nốt ruồi thì không”. Nhưng cũng cần xem xét  mức độ nào là giải phẫu thẩm mỹ, mức độ nào là chăm sóc sức khỏe, với tiêu chí chung là tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên. Còn nếu cho phép thí sinh đi thi nhan sắc được thoải mái dao kéo, Thứ trưởng Biên nói thẳng, “nếu không cẩn thận sẽ biến thành sân chơi riêng của những người có tiền”.

Hội thảo cũng bàn luận nhiều vấn đề, như có nên hạ bớt tuổi của thí sinh, số lượng các cuộc thi trong năm thế nào là vừa, có nên quá khắt khe với việc cho thí sinh ra quốc tế thi thố, có nên công khai điều kiện tài chính cũng như kinh nghiệm tổ chức của các đơn vị đứng ra thi sắc đẹp để tránh “bể sô” gây ồn ào như vừa qua… Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết, năm 2018, Bộ dự định lần đầu tiên sẽ đứng ra làm cuộc tổng kết lĩnh vực thi nhan sắc diễn ra suốt những năm qua.

MỚI - NÓNG