Doanh nhân Thái Hương: Bán trong nước trước, xuất khẩu tính sau

Bà Thái Hương phát biểu tại diễn đàn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - phát triển và hội nhập.
Bà Thái Hương phát biểu tại diễn đàn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - phát triển và hội nhập.
TP - Bà Thái Hương là nhân vật đặc sắc, gợi nhiều cảm hứng về tinh thần dân tộc trong đội ngũ doanh nhân hiện nay. Tập đoàn TH do bà chủ sự khai sinh trên khát vọng tạo ra thực phẩm đẳng cấp thế giới trên đồng Việt, phục vụ trước hết cho người Việt. Với thực phẩm hữu cơ (TPHC) - nông sản cao cấp hơn, TH cũng hướng đến khách hàng trong nước, sau mới tính đến xuất khẩu.

Làm những gì tốt nhất dành cho người Việt

Tại diễn đàn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam hôm 16/12, bà Thái Hương nói: “Tôi bán rau hữu cơ, sữa hữu cơ tại Việt Nam lúc nào cũng cháy hàng. Chúng tôi đang mở rộng sản xuất, sẽ cung cấp lượng sản phẩm hữu cơ lớn, trước mắt là phục vụ người dân Việt Nam, sau mới hướng đến xuất khẩu”. Với những gì bà đã tư vấn triển khai thực hiện sản xuất hữu cơ, phát ngôn này là sự tự tin của một doanh nhân hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

TPHC đang trở thành xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới với ưu điểm không tồn dư chất hoá học, không biến đổi gen, tươi ngon… Tuy nhiên, do áp dụng các nguyên tắc sản xuất ngặt nghèo (không sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y nguồn gốc hoá học…), TPHC có giá thành cao, dành cho giới nhà giàu.

Doanh nhân Thái Hương: Bán trong nước trước, xuất khẩu tính sau ảnh 1 Sản phẩm hữu cơ TH true Herbal đã được bán rộng rãi tại các siêu thị trong nước.

Không ít các doanh nghiệp sản xuất TPHC trong nước hiện nay chỉ là công ty con, sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp NNHC khác cũng chủ yếu tìm đầu ra cho sản phẩm ở các nước phát triển hoặc nhắm đến phân khúc cao cấp trong nước. Đó là cách đi nhanh, hiệu quả ngay tức thì nhưng Tập đoàn TH và nhiều doanh nghiệp khác vẫn kiên trì gắn bó với thị trường Việt Nam đầy tiềm năng và đang được nuôi dưỡng bằng tinh thần tự tôn dân tộc.

Khi đất nước hoà bình, cuộc sống sôi động, cái tôi cá nhân được thổi bùng sức sống, dường như tinh thần dân tộc, sự cống hiến cho cộng đồng đang tạm thời bị lẩn khuất đâu đó trong mỗi người. Với doanh nhân đã thành công như bà Thái Hương, giá trị thiêng liêng đó sẽ được khơi gợi, bộc lộ và phát huy.

Bà đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước có thể nói, thuần tuý nhập khẩu sữa thành một quốc gia chủ động về chăn nuôi bò sữa và sản xuất ra dòng sữa không thua kém thế giới. Không chỉ đưa Việt Nam xuất hiện trên bản đồ bò sữa thế giới, bà còn đưa ngành sữa Việt Nam xuất hiện chấn động quốc tế với dự án 2,7 tỷ USD của TH trên đất Nga.

Bà từng lặng lẽ đưa gấc, rau má, hoa lạc tiên… sang Mỹ để sản xuất ra thứ đồ uống đạt giải Thực phẩm của tháng 2/2015 (sản phẩm Total Happiness Naturals). Đây là động thái để bà chứng minh rằng, doanh nghiệp Việt, nếu muốn, cũng không quá khó để làm ra các sản phẩm mà các nước phát triển cũng phải thừa nhận. Sau đó, đúng như dự định, bà cho “Việt hoá” sản phẩm này để bán rộng rãi trong các siêu thị, hàng tạp hoá tại Việt Nam (dưới tên TH true Herbal).

Với ngôi trường màu hồng “TH School” cũng vậy. Bà đấu tranh để đưa bằng được môn lịch sử, địa lý, ngôn ngữ Việt Nam vào chương trình quốc tế. Bà quyết tâm hình thành một mô hình du học tại chỗ, sản sinh ra những công dân toàn cầu nhưng mang tinh hoa văn hoá và đời sống thực tiễn Việt Nam.

Cứng rắn nhất có lẽ là việc bà từ chối sự hợp tác của doanh nghiệp và tổ chức tài chính lớn của thế giới như Golman Sachs. “Tôi không liên doanh với tổ chức nước ngoài. Vì liên doanh nghĩa là trao cho nước ngoài một phần đất đai của Tổ quốc”, bà nói.

Với TPHC cũng vậy, bà đang chọn cách bước đi để có được con đường riêng của mình: Kết hợp công nghệ cao và nguồn đất sạch, nước sạch để cho ra đời những sản phẩm nông sản hữu cơ tốt nhất, có nguồn gốc, tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch để phục vụ người tiêu dùng Việt.

Chính phủ ủng hộ làm lớn, minh bạch chắc chắn thành công     

Cũng tại diễn đàn trên, trước sự hiện diện của Thủ tướng và hơn 400 quan khách trong nước và quốc tế, bà Thái Hương đi thẳng vào vấn đề: “Chính phủ đang yêu cầu sự liêm chính, công bằng, minh bạch. Sản xuất theo quy chuẩn quốc gia, làm rõ các tiêu chí sản xuất chính là sự minh bạch, liêm chính nhất. Đó là việc làm rõ thông tin hàng hóa từ nguồn gốc để người tiêu dùng lựa chọn”.

Với quá nhiều trải nghiệm, bà Thái Hương cho rằng, khó khăn lớn nhất một doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam chính là “Sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới doanh nghiệp tranh nhanh nhau nói, đưa lên truyền hình để quảng cáo bán sản phẩm “khoác áo” hữu cơ, kết quả là sản phẩm rất đắt đỏ”.

Năm 2009, bà gây dựng TH true MILK trong bối cảnh ngành sữa sử dụng sữa bột nhập khẩu pha thành sữa nước, sữa tươi và sữa bột lẫn lộn, nhập nhằng. Một chữ “tươi sạch” bắt nguồn từ niềm kiêu hãnh từ hệ thống trang trại đẳng cấp thế giới tại Nghệ An làm nóng mặt các hãng sữa trong nước. Bà còn gửi đơn lên Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế đề nghị điều tra về nguyên liệu, về công bố chất lượng sản phẩm sữa.

Doanh nhân Thái Hương: Bán trong nước trước, xuất khẩu tính sau ảnh 2 Đàn bò chăn thả theo mô hình hữu cơ của Tập đoàn TH tại Nghệ An.

Cao trào nhất là việc bà lên tiếng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế không dùng khái niệm “sữa tiệt trùng” để gọi sữa dạng lỏng làm từ sữa bột pha lại, trái với thông lệ quốc tế khiến cho người tiêu dùng không thể phân biệt, nhầm lẫn với sữa tươi. Nội dung này nằm trong quy chuẩn sữa dạng lỏng quốc gia và Bộ Y tế đang xem xét sửa đổi gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết. Nếu hoàn tất, việc thay đổi tên sữa sẽ giúp các doanh nghiệp và hàng vạn nông hộ nuôi bò sữa bước vào cuộc cạnh tranh sòng phẳng, người tiêu dùng có thông tin chính xác nhất để lựa chọn.

Ngoài đề xuất quy chuẩn cho sản phẩm hữu cơ nêu trên, bà Thái Hương xin làm nhà tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính để quy hoạch, sản xuất sản phẩm hữu cơ cho lĩnh vực thảo dược trên phạm vi toàn quốc – lĩnh vực mà bà có sản phẩm đầu tay là nước uống TH true Herbal và sau này sẽ là thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm...

Đó là mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng mà bà đã “đi” được 7 năm, triển khai tại Nghệ An, Sơn La, Hà Giang. Trong đó, TH hướng cho người nông dân tập hợp thành nhóm sản xuất, thành hợp tác xã rồi cung cấp giống cho họ. Người nông dân sẽ làm 2 việc: hái lượm thảo dược hữu cơ tư nhiên dưới tán rừng hoặc nhân giống, trồng dược liệu hữu cơ xung quanh bìa rừng… để TH liên kết thu mua, thực hiện khâu sơ chế, chế biến và phân phối sản phẩm.

 “Đây là gấc hữu cơ chúng tôi  trồng ở huyện Yên Thành (Nghệ An). Trước đây người nông dân vùng này còn nghèo nhưng giờ họ không nghèo nữa rồi. Họ trồng rau má, trồng gấc, lạc tiên organic (hữu cơ) để bán cho TH” – bà nói tại diễn đàn và cho rằng: Sẽ truyền lửa để tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất thảo dược/dược liệu dưới tán rừng để thảo dược trở thành sản phẩm hữu cơ mũi nhọn, thậm chí tạo ra vùng lưu trữ, bảo tồn và phát triển thảo dược/dược liệu của Việt Nam.

Theo Viện Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tính trên quy mô toàn cầu, tổng giá trị thị trường của TPHC đạt 76 tỷ euro vào năm 2015 nhưng tập trung chủ yếu ở các nước như Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc (trong đó Mỹ chiếm gần 50%).

 

Ngày 16/12, tại Diễn đàn quốc tế với chủ đề “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – phát triển và hội nhập”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: NNHC không chỉ phục vụ cho người giàu hoặc xuất khẩu mà hướng tới phục vụ đa số người tiêu dùng. Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, tầng lớp trung lưu hiện nay đã đạt 30% và sẽ tăng lên 50% vào năm 2030 nên việc phát triển nông nghiệp hữu tại Việt Nam là “thời điểm vàng”. Việc trồng “rau hai luống”, “lợn hai chuồng” để bán và ăn riêng cũng cho thấy ngay cả nông dân cũng có nhu cầu sử dụng TPHC.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.