Đến năm 2015, Hội bảo vệ động vật PETA đã đệ đơn kiện Slater và công ty xuất bản Blurb, cho rằng bản quyền bức hình này phải thuộc về Naruto và mọi vấn đề liên quan đến việc in ấn, phát hành bức hình đều phải được sự đồng ý của chú khỉ này.
Vụ kiện kéo dài 2 năm, và phải đến ngày thứ Hai vừa rồi toà án mới tuyên bố bức hình kia thuộc về nhiếp ảnh gia Slater, tuy nhiên từ nay về sau ông sẽ phải quyên góp 25% số tiền thu được từ bức hình cho các tổ chức bảo trợ động vật nhằm bảo vệ Naruto và đồng loại của nó.
Những bức hình mà chú khỉ Naruto "tự sướng" bằng máy ảnh của Slater đã gây ấn tượng rất mạnh với người xem toàn thế giới, trở thành một hiện tượng trong giới nhiếp ảnh khi đồng loạt xuất hiện trên các tờ báo, tạp chí, các show truyền hình trên khắp các châu lục.
Sự việc có lẽ sẽ không có gì để bàn cãi nếu một ngày nọ, Wikimedia - tổ chức phi lợi nhuận đứng đằng sau Wikipedia - đưa các bức hình này lên website của họ để người dùng có thể sử dụng tuỳ ý mà không tốn khoản phí bản quyền nào. Tổ chức này còn trắng trợn tuyên bố rằng bản quyền các bức hình trên không thuộc về Slater, do đó không đồng ý trả cho ông một đồng xu tiền bản quyền nào. Slater đã đe doạ Wikimedia, và cuối năm ngoái, một thẩm phán liên bang đã đưa ra phán quyết rằng chú khỉ Naruto không có quyền sở hữu các bức ảnh trên.
Tiếp đó, vào năm 2015, đến lượt Slater bị PETA kiện ra toà, vì theo họ lập luận thì chú khỉ Naruto "tự sướng", tức là đã trở thành tác giả của các bức hình, chứ không phải Slater. Và bởi vì Naruto không phải là con người, không có nghĩa là nó không có quyền được sở hữu. Vụ kiện này sau đó được đưa lên Toà án Phúc thẩm Hoa Kỳ lần thứ 9 hồi tháng 7 vừa qua.