Đóa hồng đen đầu tiên chỉ huy chiến hạm hải quân Nam Phi

Zimasa Mabela bên con tàu bà chỉ huy. Ảnh: Thesouthafrican.
Zimasa Mabela bên con tàu bà chỉ huy. Ảnh: Thesouthafrican.
Zimasa Mabela sinh ra và lớn lên dưới chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở một ngôi làng cách biển hai tiếng đi ôtô, nhưng bà chỉ được ngắm biển lần đầu năm 18 tuổi.

Giờ đây, khi đã 38 tuổi, bà trở thành người phụ nữ châu Phi đầu tiên chỉ huy một tàu hải quân Nam Phi.

Lần đầu tiên thiếu tá hải quân Mabela đến thăm biển trùng vào thời điểm chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc apartheid năm 1994 – và bà đã chứng kiến "làn sóng thay đổi lịch sử" sau đó.

"Tôi không hề sợ nước", bà nói với hãng tin AFP và nhìn về phía chân trời từ con tàu săn mìn của mình - tàu SAS Umhloti. "Ở làng của tôi đã từng có một bể bơi ở nhà thờ, nơi mà lũ trẻ con chúng tôi có thể tập bơi", bà cho biết.

Nhưng khát khao được vùng vẫy biển khơi chỉ thật sự được khơi dậy khi bà đang học bằng cử nhân khoa học ở đại học. Tại đây bà đã tham dự một buổi thuyết giảng của hải quân và đã bị cuốn hút bởi khẩu hiệu: "Hãy gia nhập hải quân và khám phá thế giới".

"Lúc đó tôi tự hỏi mình rằng liệu có nơi nào tốt hơn để khám phá thế giới", bà tâm sự.

Bà đã biến hoài bão đó thành sự thật bằng cách gia nhập hải quân năm 1999, lúc 22 tuổi và làm nhân viên vô tuyến. Bà được đặt chân đến những nơi đa dạng văn hóa như Ấn Độ, Uruguay, Đảo St Helena và Canada.

Giờ đây con tàu mà bà làm chỉ huy từ tháng 8 được neo ở cảng lịch sử Simon’s Town thuộc thành phố Cape Town. Bến cảng này đã từng được người Hà Lan lập nên và sau đó được Hải quân hoàng gia Anh tiếp quản hơn 2 thế kỷ trước. Nó nằm co cụm dưới những ngọn núi của Bán đảo phía Nam Cape Town và giờ là căn cứ hải quân chính của Nam Phi.

Đoàn thủy thủ của tàu phần lớn là đàn ông nhưng bà Mabela, trong bộ trang phục áo lanh trắng và quần đen của chỉ huy hải quân, khẳng định giới tính không thành vấn đề.

"Họ đã hoàn toàn chào đón tôi và luôn tuân thủ mệnh lệnh của tôi", bà nói với nụ cười ấm áp và ánh mắt kiên định.

"Tôi hy vọng có thể khuyến khích những phụ nữ khác có đủ dũng khí và gạt bỏ suy nghĩ rằng đây là thế giới của đàn ông. Bạn có thể đạt được tất cả mọi thứ nếu quyết tâm".

Là mẹ của 2 cô con gái 4 và 6 tuổi, và bà khẳng định mình hoàn toàn có thể cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái.

"Tôi luôn nỗ lực cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc vì tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mẹ và chồng tôi - người cũng làm trong hải quân nên có thể thấu hiểu nhau".

"Khi tôi đang bận việc hoặc làm nhiệm vụ trên biển, tôi thấy thật sự yên tâm vì họ luôn chăm sóc bọn trẻ tốt", bà tự tin cho biết.

Nhưng đồng thời, khi về tới nhà, người chỉ huy hải quân này lại là một người mẹ, người vợ đảm đang.

"Vào dịp cuối tuần tôi lại có thời gian để dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ và làm việc nhà. Và ngay cả trong tuần khi đi làm về, tôi đều nấu bữa tối cho mọi người nên thật sự rất bận rộn", bà kể lại lịch trình thường nhật của mình.

Ngày nay giữa thời bình ở Nam Phi thì nhiệm vụ của hải quân trên tàu không phải săn mìn mà là tập trung vào rèn luyện, làm tròn các nhiệm vụ tìm kiếm/giải cứu và "bất cứ bổn phận, nghĩa vụ nào cần thực hiện".

Nhưng một cô bé sinh ra và lớn lên trong một cuộc sống nông thôn bình dị, được ông bà nuôi nấng, đùm bọc trong khi mẹ đi làm y tá xa nhà, thì không hề có khái niệm ngủ quên trên chiến thắng.

"Tôi có vô số hoài bão vì muốn cống hiến hết sức mình...Nếu có cơ hội được chỉ huy một chiến hạm lớn hơn thì thật sự là một vinh hạnh cho tôi", bà bộc bạch. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG