Tìm giải pháp chống ngập ở TPHCM:

Đô thị hóa 'tự phát' là thủ phạm gây ngập

Hàng loạt ô tô chết máy trên đường do bị ngập nặng Ảnh: N. Tùng
Hàng loạt ô tô chết máy trên đường do bị ngập nặng Ảnh: N. Tùng
TP - Tại một số quận mới thành lập của TPHCM, tình trạng đô thị hóa “tự phát” kéo theo xây nhà bất hợp pháp, xâm hại hệ thống thoát nước, kênh, rạch… làm xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới.

Tại hội thảo, TS Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM cho biết, giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2000, việc thiếu quy hoạch, quản lý quy hoạch về cơ sở hạ tầng nên tình trạng ngập nước phát sinh. 

Cụ thể, hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, tiếp tục bị hư hỏng, hầm ga, kênh rạch bị nghẽn do rác và đất cát… gây úng ngập khu vực nội thành bất cứ khi nào có mưa lớn. Tại một số quận mới thành lập, tình trạng đô thị hóa “tự phát” kéo theo xây nhà bất hợp pháp, xâm hại hệ thống thoát nước, kênh, rạch… làm xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới. 

Cuối năm 2000, trên địa bàn thành phố tồn tại 100 tuyến đường trục chính bị ngập. Giai đoạn 2001-2005 có 67 tuyến đường phát sinh ngập và đã “xóa” hoặc giảm ngập 62 tuyến đường, còn tồn tại 105 tuyến đường bị ngập do mưa, 95 tuyến đường trục chính ngập nặng do triều. Giai đoạn 2006-2010, TPHCM tiếp tục phát sinh ngập 93 tuyến đường và xóa giảm được 140 tuyến đường, còn tồn tại 58 tuyến đường ngập do mưa và xóa giảm được 69 tuyến đường ngập do triều, còn tồn tại 26 tuyến đường.

Từ năm 2011 đến năm 2015, TPHCM tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ, thực hiện nhiều giải pháp công trình, phi công trình, giải pháp cấp bách… Từ 58 tuyến đường ngập do mưa, giai đoạn 2011-2015, thêm 31 tuyến đường phát sinh ngập và đã xóa giảm được 45 tuyến đường, còn 44 tuyến đường. Từ 26 tuyến đường ngập do triều, TPHCM đã xóa giảm được 17 tuyến đường, còn 9 tuyến đường bị ngập mỗi khi triều cường dâng cao.

“Từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân, đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường”, ông Long cho hay.

TS Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM thừa nhận các dự án lớn thuộc danh mục kêu gọi đầu tư vừa qua rất ít được triển khai, thời gian lựa chọn nhà đầu tư kéo dài. Các dự án, đề án đã có trong chương trình, kế hoạch ban hành. Tuy nhiên, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đầu tư lại từ đầu, thời gian thực hiện kéo dài.

“Khó khăn trong đầu tư, giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư để triển khai các dự án chống ngập. Muốn thực hiện dự án thì phải có luật đầu tư công. Xây dựng kế hoạch trung hạn, phải cải cách thủ tục hành chính, cơ chế chính sách đủ mạnh thì mới thành công”, TS Long nhìn nhận.

MỚI - NÓNG