Ngày 5/12, tại hội thảo "Tìm giải pháp chống ngập ở TPHCM", ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho rằng, việc phát triển tăng trưởng của thành phố liên quan đến nâng cấp hạ tầng kỹ thuật.
Theo ông Thảo, Sở Quy hoạch và kiến trúc đang đề xuất UBND TPHCM để điều chỉnh về quy hoạch cốt san nền, tham mưu UBND đặt hàng cho đơn vị thi công cách thoát nước khác nhau cho từng khu vực khác nhau. Có từng giải pháp như vậy thì sẽ có gương mặt cốt san nền cụ thể hơn, hiệu quả hơn.
Nói về vấn đề cốt nền, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho biết, ‘thủ phạm chính gây ngập ở TPHCM là vấn đề cốt nền. Những điểm ngập chủ yếu ở các vị trí có cốt nền dưới 1,5m”.
Theo ông Cường, nghiên cứu cốt nền tại TPHCM cho thấy mỗi năm lún sụt từ 3-5cm, chưa kể mực nước biển dâng. Như vậy, bình quân mỗi năm TPHCM lún sụt đến gần 5cm.
“Nếu như chúng ta làm quy hoạch mà không tiên lượng được những vấn đề này thì gây hậu quả rất lớn”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, cốt nền ở Phần Lan thấp hơn nước biển, nếu thủy triều lên thì họ đóng cổng lại, nếu mưa xuống thì bơm nước ra. TPHCM cũng tương tự như vậy. Về giải pháp, nếu cốt nền thấp thì chỉ dùng bơm.
Ông chủ ‘siêu máy bơm’ lấy ví dụ về trạm máy bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) hiện đang hoạt động rất hiệu quả. Nếu chống ngập hiệu quả thì cần nghiên cứu kỹ hơn, đặt máy bơm ở các lưu vực và hoạt động cùng thời điểm.
“Nguồn lực của TPHCM rất lớn, song hoạt động chưa hiệu quả, đang bị cản trở bởi nhiều yếu tố, trong đó có con người. Do đó TPHCM cần phải xã hội hóa cho doanh nghiệp tư nhân vào cùng làm nhiều hơn nữa”, ông Cường đề xuất.