Dân kêu trời còn tiền không giải ngân
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt lưu ý đến thực trạng giải ngân trong đầu tư công. Tính đến cuối tháng 10, Khu Quản lý Nông nghiệp công nghệ cao mới giải ngân 70% tổng vốn đã bố trí cho cả năm 2018. Ban Quản lý Khu Công nghệ cao mới đạt 88%. Ban Quản lý công trình Nâng cấp đô thị tỷ lệ giải ngân đạt 59%. Ngành nông nghiệp đang thiếu tiền nhưng Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chỉ mới giải ngân 59% tổng vốn bố trí.
Hàng loạt cơ quan đơn vị được HĐND TPHCM bố trí kinh phí nhưng tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, nhất là các lĩnh vực gắn liền với người dân như: Sở Y tế tỷ lệ giải ngân đạt: 67%; Công ty Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật: 43%; Công ty Công trình giao thông Sài Gòn: 42%; Sở Tài nguyên Môi trường: 30%; Sở Quy hoạch - Kiến trúc: 22%. Ban Quản lý Công trình giao thông đô thị được giao 31 tỷ đồng nhưng mới giải ngân khoảng 10 tỷ đồng. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn giải ngân 3,5%; Sở Công thương: 1,1%
“Nguồn lực dồi dào nhưng chúng ta chưa thực sự vì dân. Những dự án gắn với dân giải ngân quá kém. Trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào? Dân đề nghị sửa đường, ngập nước, chúng ta nói thiếu kinh phí. Điều đó chỉ đúng một phần vì thực tế nhiều đơn vị không sử dụng hết kinh phí”, ông Nhân nêu rõ.
“Vị trí của TPHCM trong năm qua có “hơi ngập ngừng” hơn trước vì vừa qua có cán bộ bị kỷ luật và có khiếu nại kéo dài của người dân….Lãnh đạo Thành phố khẳng định chỗ nào làm sai, làm trái pháp luật phải xử lý”.Ông Nguyễn Thiện Nhân,
Bí thư Thành ủy TPHCM
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, hai lĩnh vực “nóng” nhất hiện nay là chống ngập và giảm kẹt xe, tỉ lệ giải ngân cũng đạt rất thấp. Cụ thể: Năm 2018, Sở Giao thông Vận tải được giao vốn 4.500 tỷ đồng nhưng đến cuối tháng 10 mới giải ngân được 2.600 tỷ (đạt 58%), còn tồn đọng đến 1.900 tỷ đồng. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (trung tâm chống ngập) được giao vốn hơn 1.300 tỷ nhưng tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 53%.
"Hai lĩnh vực bức xúc nhất của người dân là kẹt xe, ngập nước song giải ngân lĩnh vực này chưa đến 60%. Các đồng chí suy nghĩ như thế nào?”, Bí thư Thành ủy chất vấn.
Đối với quận, huyện, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, có 4 quận huyện đã giải ngân trên 80%. 4 quận đạt tỷ lệ giải ngân vốn 70 - 80%. 16 quận huyện còn lại đạt dưới 70%, trong đó những địa phương đạt thấp như huyện Cần Giờ giao 1.200 tỷ, giải ngân chỉ được hơn một nửa; Quận 9 giao 537 tỷ cũng tương tự. Quận 1 giao 170 tỷ, giải ngân 22%. Quận Gò Vấp giải ngân đạt 29%. Quận 10 giải ngân đạt 20%. Quận Bình Thạnh giao vốn 800 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 80 tỷ đồng. Quận Tân Bình giao 857 tỷ, giải ngân chỉ đạt 5,3%.
“Gần một chục quận huyện giải ngân dưới 60%. Cần phải kiểm điểm tình hình sử dụng ngân sách đầu tư công trong 3 năm qua, không để tiếp tục xu hướng như vậy. Phải lấy lại niềm tin của người dân”, ông Nhân yêu cầu.
Cơ quan giao thông, chống ngập nói gì?
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường thừa nhận tình hình chung của các sở ban ngành là tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách bố trí cho đầu tư công chậm hơn những năm trước. Đối với lĩnh vực giao thông, do phải tuân thủ các trình tự thủ tục theo quy định nên khâu giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
“Nhiều công trình đã được bố trí vốn nhưng chưa thể khởi công hoặc có công trình đã khởi công nhưng sau đó bị vướng một số hạng mục chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng nên không được triển khai đồng bộ”, ông Cường cho hay.
Giám đốc Sở GTVT cho hay, hiện nay, TPHCM có 58 dự án vướng giải phóng mặt bằng, làm “ách” khoảng 940 tỷ đồng chưa được giải ngân. Nếu sớm tháo gỡ khó khăn này, tỷ lệ giải ngân ngân sách đầu tư công ngành giao thông trong năm 2018 có thể đạt 80%. Và, giải pháp quan trọng tháo gỡ khó khăn là quyết tâm chính trị của UBND TPHCM trong việc tháo gỡ “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng, đặc biệt ở các dự án thuộc chương trình đột phá.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng, thông thường, tình hình giải ngân các quý đầu năm rất chậm do phải hoàn thành thủ tục sau khi được HĐND TPHCM bố trí vốn. Sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định thì mới thực hiện thiết kế, mời và chọn thầu, triển khai thi công dự án. Giai đoạn này cần 3-4 tháng. Do đó, việc chia đều tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản trong 12 tháng là chưa chính xác và không phù hợp thực tế.
Vì sao không làm trước thủ tục cho nhanh? Ông Dũng nói nếu quá thời điểm 31/10 hằng năm thì sẽ không được bố trí vốn. Việc bố trí vốn thường diễn ra vào kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm (tháng 12) năm trước hoặc đầu năm sau. Chưa được bố trí vốn mà đã triển khai dự án về mặt thủ tục là vi phạm quy định của pháp luật và một khi gây nợ đọng sẽ bị …kiểm điểm.
“Trung tâm chống ngập được bố trí hơn 1.300 tỷ đồng để thực hiện trong năm 2018, trong đó, vốn dành cho duy tu đã chiếm vài trăm tỷ đồng. Trung tâm phải duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước, vận hành hệ thống xử lý nước thải… Trung tâm đảm bảo trong năm nay sẽ giải ngân trên 90% số vốn đã bố trí”, ông Dũng cho hay.
Lãnh đạo trung tâm chống ngập nước TPHCM cho biết thêm: Cuối năm, từ quý 3, quý 4 trở đi mới là cao điểm của việc thi công sau khi đã hoàn tất thủ tục đấu thầu chọn nhà đầu tư.
Phải chân thành xin lỗi, nhận lỗi trước nhân dân
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ trong năm 2018, TPHCM để xảy ra một số vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là có cán bộ bị kỷ luật, có sai sót trong quản lý nên cần phải chân thành xin lỗi, nhận lỗi trước nhân dân. Những việc làm hiệu quả phải thông tin kịp thời, hạn chế yếu kém phải kiên quyết sửa.