Tức khí mà viết “ba xu”
Trước “Lam Vỹ”, Đỗ Hoàng Diệu còn một cuốn khác là “Hầm mộ”. Bản thảo đã hoàn thành nhưng các nhà xuất bản đều lắc đầu: không in được! Sau “Bóng đè” chị chưa từng ngưng viết. Nhưng chủ yếu là một mình liếm láp, giấu diếm “như con mèo”.
Sang Mỹ theo chồng, chị vẫn theo dõi đời sống văn học ở Việt Nam. Và cực kỳ khó chịu khi thỉnh thoảng lại bị đem ra “cấu vặt” trong những tiểu luận phê bình đâu đó. Diệu nghĩ: Nguyễn Huy Thiệp nói viết được sách ba xu (mặc dù thực tế cũng chẳng phải ba xu), sao mình không thể? Để xem, khi Đỗ Hoàng Diệu viết “ba xu”, người ta có in cho không?
“Lam Vỹ” manh nha như vậy. Nhưng chỉ sau bốn trang, Diệu nhận ra tạng của mình không “ba xu” được. Vậy là quay về với thứ văn chương đẹp đẽ u tối mang hơi thở folklore. Nhưng tiết chế nhiều. Thỏa hiệp cũng nhiều. Viết hơn 350 trang, chị kể phải cắt đi khoảng 100 trang đổi lấy cơ hội in ra.
Diệu bảo, chị viết “Lam Vỹ” dễ dàng. Chỉ trong nửa năm. Vừa viết vừa làm việc nhà, vừa chăm con. Thậm chí từng nghĩ, cứ theo kiểu này, mình “sòn sòn năm một” cũng thừa sức!
Trong buổi ra mắt “Lam Vỹ” Diệu nhấn mạnh đến sự may mắn trong con đường văn chương của mình. May mắn vì sách ra được. May mắn vì được đón nhận. Chị cũng không tiếc lời giới thiệu, cổ súy cho một vài tác giả trẻ khác mà theo chị là “viết rất hay nhưng chưa được đánh giá đúng mức; thoát hẳn khỏi đám bầy hầy. Văn chương tăm tối, tù mù, uể oải. Nhưng tuyệt không bình thường”.
Nhiều người thất vọng, nhiều người khen
“Lam Vỹ” dễ đọc hơn, so với chính Diệu. Tiểu thuyết viết về cô biên tập viên Thơ với dòng máu hỗn tạp nửa người nửa tiên, lăn lóc với hết người tình này đến người tình khác, cho đến lúc chết. Mười người đọc “Lam Vỹ”, chín người có chung nhận xét: văn tốt, nuột hơn nhiều so với “Bóng đè”. Bản thân Diệu cũng rất tự tin khi tuyên bố: “có thể mắng chửi tôi, chê bai tôi, nhưng không thể phủ định rằng văn của tôi rất đẹp”!
Sách vừa ra mắt, một fan của “Bóng đè” đã comment rất quyết liệt trên facebook của chị: “tôi quá thất vọng. Cô đã thỏa hiệp. Thế là cô vứt đi”.
Một đồng nghiệp của Diệu nhận xét: “Diệu chỉ viết được truyện ngắn, viết tiểu thuyết cũng dở như Nguyễn Huy Thiệp vậy”.
Bản thân Nguyễn Huy Thiệp khi được hỏi về tiểu thuyết của Diệu có nói rằng: “có đoạn đọc được, nhưng có đoạn cũng chẳng ra gì!”. “Nhưng không sao”, ông kết luận, “Diệu cứ yên tâm đi trên con đường văn chương của mình. Hãy cứ viết, để tìm ra giá trị của mình, tìm ra một ý nghĩa nào đó. Bởi việc viết đối với nhà văn, nhiều khi là giá trị, nhiều khi cũng là cứu cánh.
Một người khác, rất quan trọng đối với con đường văn nghiệp của Diệu, nhà văn Trần Vũ, đánh giá “Lam Vỹ” giống như món mỳ gõ bình dân của Sài Gòn. Trong một con hẻm có hàng chục hàng mỳ gõ, nhưng món mỳ của Diệu nhất định sẽ được nhận ra trước tiên. Vì cách trang trí xe mỳ của chị. Vì cách nêm nếm gia vị của chị. Nó khiến cho món mỳ gõ ấy có một mã số riêng và trở nên không hề tầm thường.
Sống sướng thì viết dở đi?
Từ khi biết tin “Hầm mộ” của Diệu bị từ chối in, một số người viết đã đồn đoán: “viết dở thì không in được chứ có nhạy cảm gì đâu”. Song song với thông tin này, người ta cũng áp đặt rằng Diệu yên ổn rồi, sống tại Mỹ rồi, cùng một giáo sư đại học và không phải bận tâm về tiền, thế thì còn sức ép nào mà viết hay được nữa?
Ở Mỹ, hiện gia đình Đỗ Hoàng Diệu sống tại Ohio, một thị trấn đại học chỉ có mười người Việt, trong đó có một giáo sư già mới mất. Chị có nhiều cơ hội thực hành tiếng Việt ở nhà vì chồng chị, một người Mỹ nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, rất giỏi tiếng Việt. Hai con đều đã lớn, Diệu có nhiều thời gian để ngồi viết và hầu như không tham gia tiệc tùng, xã giao.
Đợt Tết, Diệu có một bài dài trên báo Tiền Phong, xưng tôi, kể về cuộc ly hôn với chồng. Bạn bè quen biết tới tấp thăm hỏi, an ủi dù cuối bài Diệu đã ỡm ờ bảo: Đừng nghĩ tôi kể chuyện này là thật. Họa sĩ Lê Thiết Cương còn dồn chị: Chuyện trục trặc là thật đúng không, thì em mới viết được như thế, chẳng qua là bây giờ qua rồi! Diệu trả lời: Nếu anh nghĩ phải có thật em mới viết được thì anh quá coi thường khả năng tưởng tượng của em! “Khả năng tưởng tượng” cũng là một thứ Diệu hay tự hào trong văn chương của mình.
“Lam Vỹ” in ra, Diệu thậm chí không có cảm hứng đọc lại. Chị hiện đang hào hứng và kha khá tự tin với một cuốn sách viết dở có tên là “Bệnh ngứa”.
Nhà văn trẻ Tru Sa khuyên các độc giả và bạn bè của Đỗ Hoàng Diệu sau khi đọc “Lam Vỹ”: Viết thế thôi, sách đọc đã xong phải cất vào tủ. Với đám nhà văn, hãy tán thưởng vừa đủ và phải quên họ, ném họ vào hư vô và cầu nguyện cho họ phải lê lết, tan nát nhiều hơn nữa, chịu nhiều bi đát trong đời hơn nữa. Cách giết những tài năng, hãy đeo đầy vàng lên mình họ, vỗ tay nhiều, vỗ béo để từng con từng con ngã rụng xuống đất, trước khi bị tống vào cũi, ném vào lò mổ.