Hàn Mặc Tử - từ chối mọi định vị giới tính

Mộ Hàn Mặc Tử trên Đồi Thi nhân đã trở thành một địa điểm thăm quan rất nổi tiếng của Bình Định.
Mộ Hàn Mặc Tử trên Đồi Thi nhân đã trở thành một địa điểm thăm quan rất nổi tiếng của Bình Định.
TP - Ngày 22/9, hội thảo “Một số cách đọc khác về Hàn Mặc Tử” do Viện Văn học tổ chức đã đưa ra rất nhiều ý kiến mới lạ về thơ Hàn.

Thơ Hàn Mặc Tử không thuộc dòng văn học lãng mạn

Quả bom đầu tiên do Tiến sĩ Hoàng Tố Mai bung ra: Hàn Mặc Tử ảnh hưởng gián tiếp từ Edgar Allan Poe (nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình thơ Mỹ, ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự) thông qua Baudelaire (nhà thơ thuộc trường phái tượng trưng có ảnh hưởng lớn nhất ở Pháp vào thế kỷ 19).

Baudelaire tiếp nhận từ Poe khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật, và trạng thái spleen (buồn bã, u uất, chán chường) rất thường thấy trong các tác phẩm của Poe.

Trong những cây bút Thơ mới thì người tiếp nhận Baudelaire sâu đậm và từ đó tạo ra những vần thơ ấn tượng, dị biệt hơn cả là Hàn Mặc Tử. Lúc sinh thời, Hàn Mặc Tử không giấu giếm sự ngưỡng mộ của mình trước Baudelaire. Chế Lan Viên đã từng viết trong hồi ký của mình: “Tử trong thời gian chúng tôi gần chỉ nói về Baudelaire”. Những hình ảnh dị thường, bạo liệt từ thơ Baudelaire đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong nhiều bài thơ của thi sĩ họ Hàn. Trong đó rõ nhất là những bài thơ “máu” mang đậm sắc thái tự hủy hoại. 

“Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (Say trăng). “Lụa trời ai dệt với ai căng/ Ai thả chim bay đến Quảng Hàn/ Và ai gánh máu đi trên tuyết/ Mảnh áo da cừu ngắm nở nang” (Cuối thu)

Nhà phê bình Cao Việt Dũng có ý kiến: không nên xếp thơ Hàn Mặc Tử vào dòng lãng mạn bởi vì những định kiến về sự bay bổng, trữ tình. Theo anh, những bài thơ về nỗi đau thân thể, sự bạo liệt còn lớn hơn giá trị trữ tình trong thơ Hàn.

Nhiều nhà phê bình trong hội thảo có chung ý kiến: thơ Hàn Mặc Tử vô cùng khó đọc. Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên cho rằng: 10 bài thơ Hàn chỉ có ba bốn bài là xuất sắc, còn lại là những bài ai làm cũng được.

Tác hại của việc gắn thơ Hàn với bệnh tật

Thạc sĩ Đặng Hà có một tiểu luận rất được hoan nghênh: Thơ Hàn từ những góc nhìn thân thể và bệnh tật. Theo chị Hà, xưa nay người ta thường định danh Hàn như là “thi sĩ của đau thương và bất hạnh”, các nhà phê bình khi nói đến Hàn là nói đến “thảm sử kinh hoàng của số mệnh”, nghệ thuật thơ, theo đó, cũng đơn thuần là sản phẩm nảy sinh từ “những kinh nghiệm của đau thương”, và lời thơ, không gì khác, là “tiếng kêu rên của một linh hồn đang ngất đi, hết sức lực”.

Việc xuất phát từ lối đọc đồng nhất thi phẩm – “bệnh phẩm” ấy, mang tính độc quyền rõ nét khi nó từ chối mọi cách diễn giải khác về nghệ thuật ngôn từ hay cách thức xây dựng hình tượng. Nó quy tài năng của Hàn Mặc Tử vào một căn nguyên duy nhất là bệnh tật, chấp nhận độc nhất một cách giải thích những yếu tố dị kì trong thơ Hàn là những triệu chứng bệnh lí.

Cao Ngọc Đoan Trang nhận ra trong lối phê bình tiểu sử này, ngoài việc vô tình khước từ vị thế chủ động của cả người đọc cũng như người viết; còn có một nỗ lực “lãng mạn hóa”, nếu không muốn nói là “người hùng hóa” cuộc đời và số phận nhà thơ.

Cái tên Hàn Mặc Tử bởi thế mà không ngừng được bao bọc trong những tầng lớp huyền thoại. Vấn đề bệnh tật và cái chết xuất hiện trở đi trở lại trong những phê bình thơ Hàn như một cách để cố định hóa một hình dung thương cảm trong tâm trí cộng đồng, đồng thời giữ vai trò như một hệ quy chiếu đơn giản để phân tích giá trị thơ Hàn, trong khi bỏ qua/xem nhẹ ý đồ hiện đại hóa thi ca như một chủ đích cơ bản trong hành vi sáng tạo của Hàn Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử - một đại diện của Queer

Các nghiên cứu và tài liệu để lại đều nhấn mạnh đến việc Hàn Mặc Tử là một thi nhân đa tình và nhiều người yêu. Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, nếu đọc kỹ thơ Hàn, sẽ thấy dùng các định vị giới tính áp dụng vào ông đều không ổn. Chính xác với trường hợp Hàn Mặc Tử là “queer”: chỉ những bất ổn về mặt căn tính cá nhân.

Hàn Mặc Tử là một thi sĩ từ chối mọi định vị căn tính cá nhân trong những cái có sẵn. Ông chỉ chú trọng đến cái tôi cá nhân tự do của mình. Tiến sĩ Hiếu cho rằng, có thể vì bệnh tật khiến Hàn muốn nhân bội bản ngã của mình lên. Cái tôi trong thơ ông là tôi trữ tình nhập vai: thơ nam nhưng có nhu cầu nhập vai nữ, để tạo ra một bản dạng khác. Những ví dụ như “Em sợ lang quân em biết được/ Nghi ngờ đến cái tiết trinh em” (Bẽn lẽn) có thể tìm thấy rất nhiều trong thơ Hàn.

TS Trần Ngọc Hiếu cũng đánh giá, Hàn Mặc Tử và Bùi Giáng là hai huyền thoại của làng thơ. Bùi Giáng là huyền thoại trong giới trí thức. Còn Hàn Mặc Tử là huyền thoại của bình dân, thuộc dòng bolero. Cuộc đời ông được chuyển thành cải lương, kịch, nhạc rất nhiều. Người bình dân có thể không đọc thơ Hàn nhưng sẽ thuộc một vài câu. Chẳng hạn như trường hợp “Đây thôn Vỹ Dạ”.

MỚI - NÓNG