Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng. Ta lang thang tìm tới chốn lầu trăng. Lầu ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang. Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết. Ôi trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết! Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi. Ta đến nơi Nường ấy vắng lâu rồi.
Tháp canh do quân Pháp xây sau khi lầu ông Hoàng đã bị phá bỏ |
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, người con của quê hương Phan Thiết, trong bản nhạc Hàn Mặc Tử, có đoạn Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ, câu chuyện xưa. Lầu ông Hoàng đó, thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng. Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương…
Lầu ông Hoàng được nhiều người biết đến nhờ tiếng hát lan xa, qua những bài báo viết về câu chuyện tình thi vị của nhà thơ, nhưng nhiều nhà báo thiếu tìm hiểu, suy diễn nên có những bài báo có nhiều chi tiết lệch lạc về lầu ông Hoàng.
Rồi tư liệu không chính xác này lại được nhiều người khác vô tình sử dụng, gây sự hiểu lầm rộng lớn.
Ví dụ như vài trường hợp sau:
Trên Tuổi Trẻ Online ngày 31/10/2008 lấy nguồn Lầu ông Hoàng thành phế tích trên báo Quảng Ninh, có đoạn:
Những tấm bia đá tương truyền Hàn Mặc Tử đã phóng bút để ghi những bài thơ si tình với Mộng Cầm ngày nào đã thành gạch vụn. Minh họa là ảnh một bệ xây xi măng đã đập bỏ với chú thích: Những bia đá tương truyền Hàn Mặc Tử từng đề thơ nay đã vỡ vụn.
Hàn Mặc Tử có đến lầu ông Hoàng trong năm 1934-1935, không rõ mấy lần nhưng chắc chắn không nhiều, và không hề có ý định thuê thợ xây bệ xi măng cho mình đề thơ.
Thật ra, bia đá mà nhà báo vẽ cho nhà thơ phóng bút là cái bệ xi măng được xây khoảng năm 1971-1972, khắc tên những người ủng hộ tiền dựng tượng phật Bà Quan Thế âm gần đó.
Ngoài ra, còn thấy sự sai sót tương tự trong nhiều trang mạng khác khi viết về lầu ông Hoàng. Những bài báo viết về một địa danh, một sự kiện liên quan đến lịch sử cần cẩn trọng, vì có thể nhiều người sử dụng như một tài liệu tin cậy, vô tình phổ biến cái không phải là sự thật. |
Tác giả bài báo còn viết: Lầu trăng nơi Hàn Mặc Tử từng ngắm trăng, làm thơ rệu rã và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào hay Bên trong lầu ông Hoàng lại càng thê thảm hơn. Qua lối vào chính và qua lỗ thủng do đạn pháo thời chiến…
Đây là sự suy diễn vì sau tháng 8/1945, dân quân làng Phú Hài dưới chân đồi đã giật sập lầu ông Hoàng để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, làm gì còn bên trong lầu ông Hoàng?
Về sau, Pháp xây dựng trên đồi một tháp canh và hệ thống lô cốt trong sườn đồi như ta thấy ngày nay. Nhiều người, cả tác giả bài báo, cho rằng tháp canh hiện nay là một phần của lầu ông Hoàng là hoàn toàn sai.
Ngay trong bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng có nhiều chi tiết sai về lầu ông Hoàng, khi viết lầu trăng Hàn Mặc Tử làm thơ rệu rã hay bia đá đề thơ Hàn Mặc Tử thành gạch vụn.
Còn trên dulichvn.org.vn lấy nguồn báo Cần Thơ, cập nhật ngày 21/5/2009, viết Về sau, ngôi tháp này được dùng làm pháo đài. Lầu ông Hoàng hiện chỉ còn hình dáng của một công trình hộp thẳng đứng với những lỗ châu mai.
Nhiều tác giả cảm thán cho một danh thắng bị xuống cấp, nhưng thật ra, cái biệt thự trên đồi được mọi người quen gọi lầu ông Hoàng chỉ tồn tại từ 1911 đến 1945 là bị phá hủy hoàn toàn.
Tiếp đó quân Pháp xây công trình phục vụ chiến tranh, có thời gian nơi này bỏ hoang phế, từ khoảng 1965 đến 1975 là đồn lính thường trực một đại đội địa phương quân thuộc tiểu khu Bình Thuận; làm gì khách du lịch hay dân địa phương được phép bén mảng mà là danh thắng bị xuống cấp?