Ly bắt đầu học đàn tranh từ hai năm trước. Khi đó thất tình, chỉ tìm nhạc buồn để nghe. Qua youtube, cô tìm được một bản hợp tấu đàn tranh “chưa bao giờ níu lòng đến thế”. Tìm hiểu mới biết, người đàn khúc nhạc “cứa vào tim” ấy là thầy Vĩnh Tuấn, một bậc thầy cổ nhạc, là hậu duệ của Tuy Lý Vương (con trai thứ 11 của Vua Minh Mạng). Có một điều đặc biệt: từ mấy chục năm trước, thầy Vĩnh Tuấn đã vào Long Thành, Đồng Nai sống ẩn dật, chỉ đàn cho tri âm. Để học đàn, Ly phải lặn lội vào rừng tập sống cuộc sống của ẩn sĩ.
Thầy Tuấn chọn học sinh không có yêu cầu gì khác ngoài đam mê. Sau này Ly tổng kết: “chỉ cần yêu thích, là đã đủ tư cách để đi học. Yêu thích mà còn có khả năng nghe và hát theo giai điệu thì đã bước cả hai chân vào lớp học rồi.
Đặc biệt, theo thầy những người đã từng yêu, đã từng buồn, từng giận, từng mong ngóng đợi chờ... thì khả năng đàn càng hay”.
Nhập môn, Ly trong tình trạng ngay cả đọc nốt nhạc cũng chưa thông. Thầy Vĩnh Tuấn dạy nhạc không theo bất cứ khuôn mẫu nào. Ví dụ, hỏi: thầy ơi, để tay như thế nào? Thầy bảo: để thế nào cũng được. Hỏi: con đánh không trúng nhịp. Thầy bảo: nhịp nào cũng được. Hoang mang quá thì nhắm mắt lại, bỏ hết kỹ thuật đi, chỉ tập trung vào những thứ con tim mình muốn nói.
Chính thầy Vĩnh Tuấn cũng là người nói với Ly: cao thủ chỉ đàn một tiếng là thiên hạ đã hồn bay phách lạc. Nếu tập luyện mà chỉ để gảy đàn cho đúng nốt nhạc thì quá dễ. Thầy dạy Ly làm sao trong một nốt mà tự mình có thể thiên biến vạn hóa để kể được tâm tư nỗi niềm. Mỗi một tâm trạng lại là một phiên bản khác nhau.
Ngược lại dòng thời gian, Phan Ý Ly là người Việt Nam đầu tiên nhận được học bổng Chevening để theo học Thạc sỹ về Ứng dụng Nghệ thuật Trình diễn và Truyền thông trong Phát triển tại Đại học Winchester, Anh Quốc. Chị cũng có kinh nghiệm làm việc một số năm trong lĩnh vực phát triển tại UNDP và INGO ở Việt Nam. Ly đã biên soạn một bộ phim tài liệu về trẻ em khu vực sông Hồng, bộ phim đã được trình chiếu rộng rãi tại Việt Nam trong Liên hoan phim của Liên Hợp Quốc năm 2007.
Ngoài ra, vở diễn “Người lạ” của đạo diễn Phan Ý Ly và Rob Hale (Anh) đã được mời biểu diễn tại (WSD) 2013. WSD là một trong các sự kiện sân khấu quốc tế uy tín, là lễ hội thiết kế sân khấu của các nhà hát, opera, múa và các màn biểu diễn, sắp đặt dành cho công chúng trong các không gian phi truyền thống.
Bén duyên đàn tranh một thời gian ngắn, bạn bè qua facebook của Ly đều ngỡ ngàng. Từ một phụ nữ cực kỳ hiện đại, Ly thoắt cái thành sơn nữ áo lam, ngồi đàn chậm rãi giữa bời bời lá vàng trong rừng Long Thành. Cảnh giới khác biệt ấy, lại thường xuyên được “minh họa” bằng những clip ngắn Ly cùng ban nhạc Duyệt Thị Trang mò cua bắt ốc để chu toàn cho một cuộc sống tự cung tự cấp.
Đàn cứng hơn, Ly cùng gia đình 100% là những tay chơi cổ cầm đi ngao du sông nước. Tinh thần ngẫu hứng được cổ vũ tối đa. Khi đó, cô có cảm giác “khúc Tiếu ngạo giang hồ là chuyện hoàn toàn có thật trên cõi đời này”.
Phan Ý Ly và thầy Vĩnh Tuấn.
Đêm Ly biểu diễn ở Manzi, thầy Vĩnh Tuấn cũng có mặt, chăm chú ghi hình chụp ảnh. Bên cạnh, một thanh niên người Pháp cũng không rời mắt từng động tác tay của cô. Tôi hỏi thầy Vĩnh Tuấn có hài lòng với tiết mục của học trò không, thầy bảo: “Ly giỏi lắm”. Lại hỏi thêm quá trình Ly học đàn, thầy chỉ sang người đàn ông người Pháp: hỏi đi!
Đấy chính là Eliott Malderez - một người rất đam mê cổ cầm và văn hoá Á Đông, đã ở Trung Hoa sáu năm. Gặp Ly trong một kỳ nghỉ, nghe cô đàn và kể về người thầy “như ông tiên và độ điên thì cũng không ai bằng” đã quyết định hủy vé máy bay, theo cô vào Long Thành. Từ đó, bất kể lúc nào, anh đều đề nghị được nghe đàn, nghe ca. Trưa nắng, xế chiều hay đêm khuya, anh sẽ đích thân châm nước pha trà, thắp nến, đốt nhang, trời lạnh thì chuẩn bị chăn, trời nắng thì tìm bóng râm mát.., rồi cứ thế lặng lẽ hít thở thứ âm thanh mà anh bảo đúng là “Cực lạc hiện tiền”.
Cũng người đàn ông này, nói rất hay về đàn tranh Việt Nam: Người Trung Quốc chơi cổ tranh qua cách diễn tấu các hợp âm, những ngón đàn đầy kỹ thuật điêu luyện, nhanh, vui, chủ yếu để thể hiện các hợp âm khác nhau. Nhưng đàn tranh Việt lại chơi theo lối đơn âm, nghĩa là nắn nót từng phím đàn, mỗi nốt nhạc sâu lắng và dạt dào cảm xúc. Ngồi hai tiếng đồng hồ nghe thầy và Ly chơi, lúc nào cũng chực khóc. Những tiếng đàn len lỏi vào sâu bên trong, tìm lấy tim gan mà bứt ra khỏi lồng ngực.
Thầy Vĩnh Tuấn nhận xét về cô học trò cưng:
Ly là người có năng khiếu bẩm sinh. Đã yêu thích điều gì thì làm cho bằng được. Cũng đã từng theo học MA Theatre and Media for Development tại University of Winchester. Trở về Việt Nam sáng lập nên trung tâm BlackBox. Nửa chừng thì chuyển giao lại cho học trò của mình để được đi rong chơi và trải nghiệm cuộc đời. Trên thế giới nơi đâu có thầy giỏi là cô nàng tìm đến thu đoạt bí kíp. Đã về Duyệt Thị Trang ở Long Thành nhiều lần, sắm một lúc 4 cây đàn sơn mài phục dựng mà vẫn thấy chưa đủ. Phải gọi Ly là một nương nương quái kiệt giang hồ hiếm có rất tuyệt vời.