Từ bỏ kỹ sư điện
Năm 2022, Đan Quyết đã thi đấu hơn 25 giải chạy lớn nhỏ dọc khắp dải đất hình chữ S. Thu nhập hàng trăm triệu đồng. Riêng giải chạy đầu năm 2022 tại Trà Vinh, Đan Quyết đã “ẵm” ngay 60 triệu đồng cho chức vô địch. Chứng kiến Đan Quyết “làm giàu” nhờ chạy bộ có lẽ những người "ngoại đạo" khó hình dung ra nhà vô địch trước đây vốn là kỹ sư điện.
“Thời gian trước, tôi vừa đi làm vừa tập khá vất vả, kết quả chỉ ở mức loanh quanh 'Sub 3' (dưới 3 giờ đồng hồ). Tôi khó có thể nghĩ đến chuyện lập gia đình nếu cứ thường xuyên phải đi công trình xa. Tháng 3/2020, tôi quyết định nghỉ hẳn công việc kỹ sư điện đúng lúc đại dịch COVID-19 xảy ra”, Đan Quyết tâm sự với PV Tiền Phong. “Sau đó, tôi tự lên giáo án, tự tập. Thành tích chạy bộ được cải thiện rõ rệt. Tháng 10/2020, tôi đạt thành tích 2 giờ 47 phút tại giải chạy ở Hà Nội, vượt kỷ lục cá nhân cũ 12 phút và giữ ổn định vị trí số một phong trào”.
Cưới vợ nhờ… chạy bộ
Người tính như… trời tính. Đầu năm 2022, sau khi TPHCM không còn bị giãn cách vì COVID-19, cơ duyên đưa Đan Quyết gặp Nga Phạm, một cô gái cũng thích chạy bộ và từng là nữ vận động viên vô địch nhóm tuổi phong trào. Cả hai tâm đầu ý hợp “yêu là cưới”, về chung một nhà vào cuối năm ngoái.
“Cô ấy cũng là runner nên dễ chia sẻ, ủng hộ thậm chí còn hối thúc tôi tập. Bản thân tôi khi quyết tâm theo tiếng gọi của đam mê thì cần phải kỷ luật, tự giác”, Đan Quyết nói.
Đan Quyết (bìa phải) hiện là đương kim vô địch hạng mục phong trào Tiền Phong Marathon 2022. |
Nhờ “thương hiệu” vận động viên chạy bộ số một phong trào nên Đan Quyết làm đại sứ cho một số nhãn hàng. Bên cạnh đó, anh nhận kèm huấn luyện cho những người có nhu cầu kèm tập chạy.
Một ngày bình thường của nhà vô địch thường bắt đầu từ 4 giờ sáng. Anh dậy sớm để đi đến điểm tập luyện. Do còn phải tự tập theo giáo án của bản thân để duy trì phong độ, cải thiện thành tích nên anh tranh thủ tập trước hoặc sau khi kèm học viên. Công việc nhiều lúc vất vả hơn cả PT (huấn luyện cá nhân) ở các phòng gym.
Chạy không chỉ vì mình
Tiền Phong Marathon mỗi năm xuất hiện thêm nhiều chân chạy phong trào mạnh, nhưng điều này không khiến chàng trai “sáu múi” gốc Nam Định nao núng.
“Tôi là người thích chinh phục. Cuộc chơi marathon càng đông càng vui. Ngày trước, tôi thi đấu vì niềm vui cá nhân. Bây giờ bên cạnh niềm đam mê ấy còn là trách nhiệm với gia đình”, Đan Quyết giãi bày.
Thành tích của Đan Quyết tại giải Tiền Phong Marathon
2017: Hạng 3 chung cuộc phong trào (PT)
2018: Hạng 3 chung cuộc
PT2019: Hạng 2 chung cuộc
PT2020: Hạng 2 chung cuộc
PT2021: Hạng 2 chung cuộc
PT2022: Hạng 1 chung cuộc
“Mọi thứ hiện nay đã khác nhiều so với mùa đầu tôi tham dự Tiền Phong Marathon, như thể gấp đôi lên vậy. Sự cạnh tranh từ các đối thủ ngày một lớn”. Trái với một số vận động viên hàng đầu khác, Đan Quyết không ngần ngại chia sẻ "tracklog" bài tập luyện của mình cho người khác xem. “Tôi không giấu bài, bài tập của tôi được chia sẻ với mọi người. Ai cũng có thể thấy và có thêm động lực”, Quyết nói.
Để chuẩn bị cho cuộc bảo vệ "ngôi vương" ở Lai Châu, chàng trai sinh năm 1990 này tập trên máy chạy bộ treadmill với độ nghiêng lên tới 20%.
“Tiếng vang và hiệu ứng của giải Tiền Phong Marathon rất tốt dù nhiều khó khăn thách thức do các địa điểm tổ chức khác nhau mỗi năm. Mục tiêu số một của tôi tại Lai Châu là bảo vệ danh hiệu mà mình đang có. Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài giải báo Tiền Phong là giải thi đấu để phong cấp kiện tướng cấp 1 (thành tích dưới 2 giờ 42 phút) khiến tôi càng đặt quyết tâm cao”.
Thành phố Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu là chủ nhà đăng cai giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài giải báo Tiền Phong lần thứ 64 - năm 2023. Hơn 4.000 vận động viên, trong đó có 225 vận động viên chuyên nghiệp, sẽ tham gia tranh tài ở 4 cự ly thi đấu: 5km, 10km, 21,1km và 42,195km.