Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vssep) cho biết, năm 2019, xuất khẩu hải sản Việt Nam ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018, chủ yếu tăng ở cá ngừ (tăng 12% đạt gần 730 triệu USD) và các loại cá biển khác (tăng 15% đạt 1,65 tỷ USD).
Tuy nhiên, theo Vasep, xuất khẩu hải sản tăng chủ yếu ở các thị trường khác, trong khi thị trường EU sụt giảm 11,5%, trong đó cá ngừ giảm 11%, mực, bạch tuộc giảm 20%. Như vậy, từ thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, EU đã tụt xuống thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Kết quả trên đã phản ánh hệ lụy của “thẻ vàng” IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. EU đang là thị trường NK cá ngừ đứng thứ 2 sau Mỹ, chiếm 19% XK cá ngừ Việt Nam. Đối với mực, bạch tuộc EU là thị trường đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 12%.
Trước đó, từ ngày 5 đến 14/11, Đoàn Thanh tra của của EC đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra lần 2 tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.
Theo Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), EC cũng đã thông báo kết quả qua đợt thanh tra lần 2 tại Việt Nam. Đoàn Thanh tra EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC.
Đoàn Thanh tra EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5/2018) và đang đi đúng hướng. Trong đó, bước đầu đã tiến hành triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật trên thực tế. Đã cải thiện đáng kể trong công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước.
EU cũng đánh giá cao Việt Nam đã nỗ lực trong công tác quản lý cường lực khai thác thông qua việc “đóng băng” đội tàu khai thác xa bờ , qua việc cấp giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển.
Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra của EC cũng chỉ ra nhiều hạn chế, cần khắc phục như: Mức xử phạt trong Nghị định số 42 còn nhẹ so với khu vực, mẫu chứng thư khai thác còn thiếu một số thông tin so với quy định tại của châu Âu, tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm…
Đoàn Thanh tra cũng cho rằng, quy mô đội tàu lớn dẫn đến việc quản lý cường lực khai thác còn rất đáng quan ngại, việc tăng đội tàu sẽ xóa bỏ các nỗ lực quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm….
Tổng Cục Thủy sản cũng cho biết, EC khẳng định, chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban châu Âu sẽ không rút “thẻ vàng”.
Đoàn thanh tra EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác khai thác IUU trong nửa đầu năm 2020. Đồng thời, Việt Nam phải nộp báo cáo tiến độ toàn diện về kết quả triển khai các nội dung theo báo cáo giám sát trước ngày 15/5/2020.