Việt Nam thực hiện nhiều khuyến nghị của EC liên quan đánh bắt IUU

Tàu cá neo đậu ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN.
Tàu cá neo đậu ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN.
TPO - Thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã cải thiện khuôn khổ pháp lý, siết quản lý tàu cá, thực thi các luật, quy định về phòng chống đánh bắt IUU và bảo đảm truy xuất nguồn gốc thủy sản, báo Mỹ The US News đưa tin ngày 15/11.

Đoàn thanh tra của EU đến làm việc tại Việt Nam từ ngày 5/11. Trước đó, EU đưa ra hàng loạt khuyến nghị cho Việt Nam để gỡ thẻ vàng IUU.

Về khung pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam đã ban hành các văn bản, gửi tới UBND tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước để hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Việt Nam cũng hướng dẫn thi hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 3/7/2019.

Ngoài ra, Việt Nam phát hành sổ tay về Luật Thủy sản trên các website và gửi về các tỉnh thành trên cả nước. Các báo cáo viên ở cấp trung ương được cử về các địa phương, giúp tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo về hướng dẫn thực hiện các nội dung mới trong Luật Thủy sản.

Tăng cường theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá

Về tăng cường quản lý tàu cá, Việt Nam tiếp tục triển khai hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát tàu cá (MCS); thắt chặt quản lý tàu cá ra, vào cảng; đẩy mạnh giám sát việc bốc dỡ thủy sản tại cảng, kiểm soát chất lượng, sản lượng, thành phần thủy sản để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc; điều chỉnh qui trình kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam...

Theo Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, hệ thống MCS được triển khai từ tháng 5/2019, có khả năng giám sát 31.541 tàu cá có chiều dài ít nhất 15m, trong đó có 2.618 tàu dài 24 m trở lên.

Kể từ tháng 9/2019, các địa phương ven biển và cơ quan chức năng có thể truy cập hệ thống MCS để khai thức dữ liệu về hoạt động của tàu cá để phục vụ công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Đến nay, có 7 đơn vị gồm VNPT, Viettel, Zunibal, Vishipel, Bình Anh, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Blue Tracker cung cấp thiết bị và lắp đặt giám sát hành trình cho các tàu cá, kết nối dữ liệu giám sát với trung tâm dữ liệu tại trung ương và chia sẻ với 28 tỉnh thành ven biển.

Ngày 15/11/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hànhThông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, giám sát tàu cá ra, vào cảng. Theo đó, thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải thông báo tàu cập cảng, rời cảng; ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản; cung cấp thông tin về tàu cá, yêu cầu về dịch vụ, dự kiến sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Tất cả tàu cá dài 24 m trở lên phải qua kiểm tra tại cảng. Các tàu cá nhỏ hơn có tỷ lệ kiểm tra thấp hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai phần mềm chuyên biệt để chứng nhận, xác nhận nguyên liệu thủy sản. Tổng cục Thủy sản đã thí điểm sử dụng phần mềm này ở tỉnh Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu. Tổng cục cũng đang hợp tác với Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) để thí điểm cơ chế truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử tại tỉnh Bình Thuận. SEAFDEC là một cơ quan liên chính phủ độc lập được thành lập năm 1967 để thúc đẩy phát triển thủy sản ở Đông Nam Á.

Về thực thi các luật, quy định về phòng chống đánh bắt IUU, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả để ngăn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, công khai tên tàu vi phạm lên website của Tổng cục Thủy sản.

Tăng cường kiểm tra tàu cá đến cảng và rời đi, Việt Nam đã thiết lập, vận hành các văn phòng MCS tại các cảng ở các tỉnh thành ven biển trên toàn quốc. Đồng thời, đẩy mạnh tuần tra, giám sát xa bờ để kịp thời phát hiện, xử lý tàu cá Việt Namvi phạm vùng biển nước ngoài cũng như tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Đặc biệt, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển như kiểm ngư, cảnh sát biển, biên phòng, hải quân thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong việc ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước tại các khu vực giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ bị rút giấy phép khai thác hoặc không được cấp giấy phép mới.

Theo Tổng cục Thủy sản, kể từ tháng 1/2019, không phát hiện trường hợp tàu cá, ngư dân Việt Nam nào khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công danh sách 61 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác qua cảng. Từ ngày 1/1 đến 30/9/2019, cấp 3.054 giấy chứng nhận thủy sản khai thác với khối lượng 38.859 tấn thủy sản.

Dù đạt được những tiến triển tốt như vậy, Việt Nam vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như quy định mức khung xử phạt tối đa chưa đáp ứng đầy đủ khuyến nghị của EC; chủ tàu cá vẫn gặp khó khăn về tài chính khi lắp hộp đen và kết nối vệ tinh; cơ sở hạ tầng và nhân lực để phòng chống đánh bắt IUU tại các tỉnh thành ven biển, đặc biệt tại các cảng còn chưa đủ, The US News nhận định.

MỚI - NÓNG