Cảnh sát biển chung tay tháo gỡ 'thẻ vàng' EC

Vùng CSB 1 tặng cờ Tổ quốc và cấp phát tờ rơi tuyên truyền cho bà con ngư dân ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ảnh: M.T
Vùng CSB 1 tặng cờ Tổ quốc và cấp phát tờ rơi tuyên truyền cho bà con ngư dân ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ảnh: M.T
TP - Với vai trò thực thi pháp luật và đồng hành với ngư dân trên các vùng biển, đảo Tổ quốc, lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam có nhiều hoạt động hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Chính phủ, góp phần giảm bớt những khó khăn cho ngành Thủy sản Việt Nam, nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). 

Hiểu luật để vươn khơi bám biển

Có mặt tại khu neo đậu tàu thuyền khu vực cửa Roòn thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), rất đông phương tiện của bà con các xã vào trú đậu, nghỉ ngơi và bổ sung nhiên liệu để tiếp tục ra khơi. Chợ cá và xưởng đóng tàu nằm ngay cạnh bến hoạt động tấp nập khiến náo nhiệt cả một vùng cửa biển.

Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 phối hợp cùng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức tuyên truyền Luật CSB Việt Nam và tặng quà cho ngư dân nghèo của địa phương. Một hoạt động đầu tiên và là bước cụ thể hóa chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận “CSB đồng hành với ngư dân” giữa CSB Việt Nam và Tỉnh ủy Quảng Bình vừa được ký kết mới đây... Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các vùng biển mà ngư dân ta được phép đánh bắt, tần số các đài canh để bà con liên lạc khi có sự cố trên biển, đoàn công tác còn tặng cờ Tổ quốc, phao tròn cho bà con ngư dân các xã thuộc huyện Quảng Trạch.

Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, cho biết cả xã có trên 600 phương tiện tàu thuyền với 2.100 lao động trên biển. Trong số này có hơn 200 chiếc tham gia đánh bắt xa bờ. Ngư trường chủ yếu tại vùng biển Thanh Hóa và một số ở khu vực Trường Sa. Những năm trước đây, sản lượng đánh bắt thủy, hải sản của xã Cảnh Dương rất cao nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, sản lượng đánh bắt bị sụt giảm đáng kể. Số liệu thống kê đến cuối tháng 10/2019 sản lượng chỉ đạt được 70% cùng kỳ năm trước. Nguồn thủy hải sản khan hiếm, lao động trên biển sụt giảm, thiếu người làm, một số tàu thuyền phải gá bờ, không tham gia khai thác. Hiện có khoảng trên 150 chiếc phải gá bờ.

“Trên tinh thần của Ủy ban châu Âu cảnh báo về việc đánh bắt bất hợp pháp ở Việt Nam, chúng tôi đã và đang tích cực tuyên truyền đối với các tàu thuyền đánh bắt trên biển phải thực hiện đúng theo Luật Thủy sản năm 2017, đánh bắt đúng chủng loại, đúng ngư trường. Việc tuyên truyền của lực lượng CSB đã góp phần cùng địa phương nâng cao hiểu biết cho bà con về pháp luật, những quy định khi tham gia khai thác trên biển”, ông Quang nói.

“Cùng với lực lượng Cảnh sát biển, tỉnh Quảng Bình nói riêng và các địa phương ven biển trong cả nước đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy quá trình gỡ “thẻ vàng” để phát triển nghề cá một cách bền vững hơn”, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình NGUYỄN CÔNG HUẤN

Ông Nguyễn Minh Dương, chủ tàu cá QB-93007TS chia sẻ: “Nhờ có lực lượng CSB, bà con ngư dân chúng tôi thêm an tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng tôi đã hiểu sâu hơn về các luật định, về quyền được khai thác ở các khu vực biển, những khu vực không được tham gia khai thác, không xâm phạm lãnh hải của nước khác, chấp hành nghiêm luật pháp quốc tế và mong muốn EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với ngành Thủy sản Việt Nam”

Từng bước gỡ bỏ “thẻ vàng”

Tại xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, những ngôi nhà nhỏ bé nằm lác đác trên những đồi cát mênh mông, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào những chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, cuộc sống của người dân nơi này gặp khó khăn. Ông Nguyễn Quang Thao, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung cho biết, số lượng tàu thuyền của toàn xã hiện là 297 chiếc/500 lao động chính trên biển. Bà con ở đây chủ yếu làm nghề khai thác nhỏ lẻ do đặc điểm địa lý ở khu vực này là biển bãi ngang, không có cửa lạch cho nên công suất máy lớn nhất ở đây chỉ 20CV, đời sống của bà con rất vất vả.

Đại úy Lê Thanh Hải, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Ngư Thủy thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết, đơn vị quản lý địa bàn 3 xã, gồm: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam của huyện Lệ Thủy với 1.045 phương tiện/1.938 lao động.

Mặc dù điều kiện tự nhiên ở đây gây nhiều khó khăn, trở ngại cho người dân trong việc phát triển kinh tế nhưng để thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, Đồn Biên phòng Ngư Thủy đã tiến hành tuyên truyền, quán triệt để bà con ngư dân của ba xã nắm bắt được nội dung thông tin Ủy ban châu Âu kiểm tra việc cam kết thực thi các điều khoản của Việt Nam về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Cùng với việc tuyên truyền trên đất liền, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 còn cử các tổ tuyên truyền đi theo các tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát để trực tiếp đến tuyên truyền tại các tàu thuyền của bà con đánh bắt hải sản trên biển cũng như các khu vực neo đậu ở các địa phương ven biển.

Thượng tá Lê Huy, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 cho biết: “Chúng tôi mong muốn giúp bà con ngư dân có nhận thức đúng, chấp hành đúng các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như luật quốc tế có liên quan trong quá trình khai thác trên biển, từ đó góp phần tháo gỡ bỏ “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu đưa ra đối với ngành Thủy sản Việt Nam”.

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…