Cụ thể, ngày 18/1, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó GĐ Công an tỉnh Hưng Yên có công văn cho biết: Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, ông Đỗ Đình Hào chỉ đạo xác minh, làm rõ thông tin báo Tiền Phong phản ánh.
Cũng theo công văn, GĐ Công an tỉnh này tạm đình chỉ công tác đối với các cán bộ có liên quan trong bài báo/clip Tiền Phong nêu để kiểm điểm, giải trình. Đồng thời, công an tỉnh Hưng Yên cũng thành lập tổ xác minh, làm rõ trách nhiệm của các bộ liên quan và thông báo lại báo chí khi có kết quả giải quyết vụ việc.
Sau khi đăng tải bài viết trên, nhiều bạn đọc ở tỉnh Hưng Yên tiếp tục thông tin đến Ban Bạn đọc báo Tiền Phong và phản ánh trên các diễn đàn internet rằng, phải chi với số tiền tương tự (1 triệu đến 1,5 triệu đồng) cho các cán bộ công an để sửa thông tin cá nhân.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: Theo quy định, để sửa thông tin cá nhân trên chứng minh thư/thẻ căn cước công dân chỉ tốn từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng/trường hợp; do đó, nếu có sự việc công an Hưng Yên thu lệ phí từ 1 - 1,5 triệu đồng để sửa thông tin năm sinh trên thẻ căn cước công dân là vi phạm các quy định tại Luật Căn cước công dân 2014 và các quy định về phí và lệ phí.
Theo luật sư Cường, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn trả toàn bộ tiền phí, lệ phí do thực hiện sai pháp luật về phí, lệ phí cho người nộp phí, lệ phí. Trong trường hợp không xác định được người để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư này, nếu trong quá trình xác minh có đủ căn cứ xác định có cán bộ lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì có thể khởi tố hình sự về một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm về chức vụ theo quy định.