Mất tiền triệu để sửa thông tin cá nhân

Nữ cán bộ công an tỉnh Hưng Yên nhận một triệu đồng của anh M để sửa đổi thông tin năm sinh trên thẻ căn cước
Nữ cán bộ công an tỉnh Hưng Yên nhận một triệu đồng của anh M để sửa đổi thông tin năm sinh trên thẻ căn cước
TP - Nhiều người dân tỉnh Hưng Yên phản ánh, muốn sửa đổi thông tin về năm sinh trên thẻ căn cước công dân phải mất phí cho cán bộ công an phụ trách lĩnh vực này từ 1 – 1, 5 triệu đồng, cao hơn so với quy định đến 50 lần.

Vòng vèo, tốn tiền triệu, không phiếu thu

Anh N.V. M (tên nhân vật đã được thay đổi) ở huyện Phù Cừ phản ánh đến báo Tiền Phong về việc bị công an huyện Phù Cừ và Công an tỉnh Hưng Yên gây khó khăn, vòi vĩnh và yêu cầu nộp “phí” sửa đổi lại thông tin về năm sinh trên thẻ căn cước công dân cao hơn gấp nhiều lần so với quy định.

Trường hợp của anh này chứng minh thư có năm sinh không trùng với các giấy tờ khác, như giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp các cấp, sổ hộ khẩu... Bởi vậy, anh đến công an huyện Phù Cừ đề nghị làm từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân và sửa đổi lại thông tin về năm sinh trên thẻ căn cước mới.

Anh M đến công an huyện Phù Cừ để thống nhất thông tin trên các giấy tờ cá nhân và bị thu 70.000 đồng tiền phí (không có phiếu thu). Sau đó, dù lên công an huyện nhiều lần nhưng anh M vẫn không thể sửa đổi năm sinh. Cán bộ công an huyện tiếp anh M yêu cầu anh phải có quyết định cải chính hộ tịch của UBND xã, huyện, sau đó công an mới có thể sửa đổi thông tin trên thẻ căn cước. Anh M lại vòng về UBND huyện, xã thì được hướng dẫn: Thông tin hộ tịch không sai nên không phải cải chính, chỉ có thông tin của chứng minh thư anh M bị sai và thẩm quyền xử lý thuộc về công an.

Sau nhiều lần đến Công an huyện Phù Cừ, cán bộ Công an huyện Phù Cừ có gợi ý với anh M: Muốn sửa đổi thông tin năm sinh trên thẻ căn cước phải đề xuất lên công an tỉnh và “chi phí phải khác”.

Cực chẳng đã, anh M đến công an tỉnh Hưng Yên. Tại phòng Cánh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hưng Yên, anh M được giới thiệu gặp một nữ công an tên Nga để tiếp tục làm việc. Nữ công an này xem giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp và sổ hộ khẩu xong, hướng dẫn anh M về xã làm đơn xin cấp thẻ căn cước để làm các thủ tục điều chỉnh. Nữ cán bộ này nói luôn: “Điều chỉnh như thế này, em phải mất phí 1,5 triệu đồng”. Anh M thắc mắc, chỉ điều chỉnh năm sinh cho đúng hồ sơ gốc mà phí cao như vậy? Nữ cán bộ vẫn khẳng định số tiền 1,5 triệu đồng.

Làm đủ các giấy tờ theo yêu cầu, anh M đưa hồ sơ gặp lại chị cán bộ công an trên. Một lần nữa, anh M hỏi lại phí, nữ cán bộ tên Nga vẫn khẳng định phải trả phí như trao đổi lần gặp trước (1,5 triệu đồng). Chị này còn đưa cuốn sổ và tệp hồ sơ của người khác trên bàn làm việc ra và nhấn mạnh: “Người ta cũng làm như vậy”. 

Anh M trình bày hoàn cảnh khó khăn, xin giảm phí. Nữ cán bộ công an đồng ý giảm 500.000 đồng. “Nếu công dân có yêu cầu, bọn chị sẽ giảm, nhưng tối đa chỉ 500.000 đồng” - chị này nói. Cuộc mặc cả xong xuôi, anh M đưa 1 triệu đồng tiền phí cho nữ cán bộ công an. Sau khi nhận tiền của anh M, nữ cán bộ công an này kẹp tiền vào hồ sơ, rồi đưa hồ sơ cùng tiền đã nhận sang cho một cán bộ công an ở phòng khác để tiếp tục làm thủ tục.

Anh M cho biết thêm, khi cán bộ công an tỉnh nhận tiền phí sửa đổi thông tin năm sinh trên thẻ căn cước 1 triệu đồng nhưng không cấp biên lai hay phiếu thu tiền.

Xử nghiêm sai phạm nếu có

Phóng viên cũng tìm gặp thêm một số trường hợp người dân phản ánh phải mất tiền cho công an Hưng Yên để sửa đổi thông tin căn cước công dân. Dù rất bức xúc, chán nản nhưng những người này không dám ra tố cáo, khiếu nại vì sợ bị trả thù và vì số tiền bị mất không quá lớn.

Để làm rõ, phóng viên tiếp tục làm việc với Công an tỉnh Hưng Yên. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc công an Hưng Yên khẳng định, sau khi tiếp nhận thông tin của phóng viên, nếu thông tin báo chí phản ánh đúng, sẽ xử nghiêm trường hợp sai phạm.

Sau đó, ông Hồng giới thiệu chúng tôi đến bộ phận phụ trách lĩnh vực làm thẻ căn cước của Công an tỉnh để làm rõ hơn. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, mức phí thu để sửa đổi và làm thẻ căn cước công dân theo quy định từ 30.000 - 70.000 đồng tùy từng trường hợp.

Khi phóng viên phản ánh có hiện tượng người dân phải mất phí từ 1 -1,5 triệu (nếu phải đóng 1,5 triệu đồng/ trường hợp, số tiền vượt cao nhất theo quy định là 50 lần) để sửa đổi đúng năm sinh trên thẻ căn cước, ông Hòa cho rằng: Nếu thông tin báo chí phản ánh về việc gây khó khăn, vòi vĩnh và thu phí với mức cao như trên mà đúng thì “làm như vậy là hoàn toàn sai trái”.

Ông Hòa cho biết, trong quá trình triển khai, ông luôn chỉ đạo cán bộ công an phụ trách không được phép thu mức phí sửa đổi và làm thẻ căc cước cao hơn mức quy định của luật pháp. Ông Hòa cũng cho biết thêm, nếu phát hiện các trường hợp cụ thể thì các cơ quan chức năng của công an tỉnh Hưng Yên sẽ vào cuộc để làm rõ và xử lý.

Sau khi cung cấp thông tin đến Tiền Phong, anh M cho biết công an đã tìm đến nơi ở, nơi làm việc của anh. Hiện anh rất lo lắng.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...