Điều tra lãnh đạo ban chuyên án vụ 5 công an dùng nhục hình

Các bị cáo, từ trái sang phải: Thành, Mẫn, Huy, Quyền, Quang
Các bị cáo, từ trái sang phải: Thành, Mẫn, Huy, Quyền, Quang
TP - Theo TAND tỉnh Phú Yên, lãnh đạo ban chuyên án (ông Lê Đức Hoàn, Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa) đã thiếu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra vụ 5 công an dùng nhục hình gây chết người, nên cần điều tra làm rõ để xử lý.

Ngày 9/7, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ 5 cán bộ công an dùng nhục hình khiến nghi phạm tử vong, do TAND thành phố Tuy Hòa xét xử, giao hồ sơ cho VKSND thành phố Tuy Hòa giải quyết theo thẩm quyền.  

Năm bị cáo bị truy tố về tội “dùng nhục hình”, gây nên cái chết của anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ở thôn Mỹ Thuận Ngoài, Hòa Đồng, Tây Hòa, Phú Yên) ngày 13/5/2012 gồm: Nguyễn Minh Quyền (nguyên Thiếu tá, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - PC45 Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (nguyên Thiếu tá, Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên Thượng úy), Đỗ Như Huy (nguyên Trung úy), Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên Thiếu úy), đều là nguyên cán bộ điều tra, trinh sát của Công an TP Tuy Hòa.

Bản án sơ thẩm ngày 3/4/2014 tuyên bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành 5 năm tù giam, Nguyễn Minh Quyền 2 năm tù giam, Phạm Ngọc Mẫn 18 tháng tù giam, Nguyễn Tấn Quang 15 tháng tù treo, Đỗ Như Huy 12 tháng tù treo.

Ngày 8/7, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên phúc thẩm vụ án. Kiểm sát viên (KSV) Huỳnh Văn Tám, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, phải áp dụng khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự để xử phạt tất cả các bị cáo mới đúng quy định của pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ, của hành vi phạm tội và hậu quả do các bị cáo gây ra.

Điều tra lãnh đạo ban chuyên án vụ 5 công an dùng nhục hình ảnh 1

LS Võ An Đôn đề nghị khởi tố Phó Trưởng Công an TP Tuy Hòa và Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa

Cũng theo KSV, ông Lê Đức Hoàn, Phó Trưởng Công an TP Tuy Hòa có dấu hiệu phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Do vậy, đề nghị HĐXX chấp thuận bản kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Yên, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.

Bảo vệ quyền lợi cho vợ con người bị hại, LS Võ An Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn về 3 tội: “bắt giữ người trái pháp luật”, “giết người” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đáp lại, KSV Tám cho rằng, việc truy tố các bị cáo về tội “dùng nhục hình”, không truy tố về tội “giết người” là đúng quy định của pháp luật, đề nghị khởi tố ông Hoàn về tội “giết người” hay tội “dùng nhục hình” với vai trò đồng phạm là không có căn cứ.

Theo KSV Tám, việc bắt giữ anh Kiều khi chưa có lệnh, chưa có chuẩn y của VKSND có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật. Nhưng, cơ quan điều tra đã xác định Ngô Thanh Kiều tham gia vụ trộm ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đêm 12/5/2012 và 7 vụ trộm khác nên việc bắt giữ anh Kiều là đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và cần thiết. Do vậy, việc cấp sơ thẩm không khởi tố ông Hoàn và một số người khác về tội “bắt giữ người trái pháp luật” là đúng pháp luật.

Cho rằng VKSND TP Tuy Hòa không khởi tố ông Hoàn là đã bỏ lọt người, lọt tội, LS Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa về tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội”. Đáp lại, KSV Tám cho rằng, không có căn cứ để khởi tố ông Chánh.

HĐXX phiên phúc thẩm nhận định, trong thời gian từ 8 giờ đến 14 giờ ngày 13/5/2012, mặc dù các bị cáo không có mặt cùng lúc, nhưng có ý thức tiếp thu ý chí của nhau, cùng thực hiện một hành động tội phạm, nên phải chịu chung hậu quả đối với cái chết của anh Kiều. Lãnh đạo ban chuyên án (là ông Lê Đức Hoàn) đã thiếu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra hành vi trái pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nên cũng cần điều tra làm rõ để xử lý cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc điều tra ở cấp sơ thẩm còn nhiều thiếu sót, nên đề nghị hủy án sơ thẩm là có cơ sở...

Việc hủy án để điều tra lại là tốt. Nhưng nếu chỉ hủy án với hướng như vậy thì chưa đúng. Pháp luật cần rõ ràng, không thể nửa vời. Đại diện VKSND nói việc bắt giữ anh Kiều tuy trái pháp luật nhưng không gây nguy hiểm cho xã hội, là không đúng. Từ việc bắt giữ đó, anh Kiều đã thiệt mạng, hậu quả rất nghiêm trọng, người bắt giữ phải chịu trách nhiệm chứ, sao lại không? Nếu chưa đủ yếu tố khởi tố ông Hoàn về tội “bắt giữ người trái pháp luật”, vẫn dứt khoát phải khởi tố vụ án “bắt giữ người trái pháp luật”. Ông Lê Minh Chánh là người có trách nhiệm kiểm sát việc điều tra, có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi có dấu hiệu tội phạm mà ông không thực hiện, ông giám sát mà việc bắt người, đánh người ông không biết luôn.

LS Nguyễn Khả Thành (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên)

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".