Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden và nghị sĩ Kevin McCarthy của Đảng Cộng hòa đạt được thỏa thuận tạm thời đình chỉ trần nợ 31.400 tỷ USD của chính phủ liên bang, chấm dứt bế tắc kéo dài nhiều tháng.
Tuy nhiên, thỏa thuận đã được công bố mà không có bất kỳ buổi lễ nào, phản ánh mức độ nguy cấp của cuộc đàm phán và con đường khó khăn phải thông qua Quốc hội trước khi Mỹ hết tiền trả nợ.
"Tôi vừa mới nói chuyện điện thoại với tổng thống cách đây ít lâu. Sau khi ông ấy lãng phí thời gian và từ chối đàm phán trong nhiều tháng, chúng tôi đi đến thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ", McCarthy chia sẻ.
Tuy nhiên, thỏa thuận trần nợ nước Mỹ vẫn còn nhiều quanh co.
Toàn cảnh Điện Capitol sau khi ông Joe Biden đạt được thỏa thuận với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. |
Đạt thỏa thuận sau nhiều tháng trì hoãn
Trong một tuyên bố, ông Biden gọi thỏa thuận này là bước tiến quan trọng. "Thỏa thuận thể hiện sự thỏa hiệp, có nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều họ muốn. Đó là trách nhiệm của chính quyền", tổng thống Mỹ nói trong một tuyên bố.
Thỏa thuận sẽ đình chỉ giới hạn nợ cho đến tháng 1/2025, đồng thời giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024-2025, thu hồi các quỹ COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và bao gồm một số yêu cầu công việc bổ sung cho các chương trình hỗ trợ lương thực cho người Mỹ nghèo.
Sau nhiều tháng trao đổi, thỏa thuận được thông qua loạt các cuộc gọi. Ông Biden và McCarthy tổ chức cuộc điện đàm kéo dài 90 phút trước đó vào tối 27/5 để thỏa luận.
McCarthy cho biết ông dự kiến viết xong dự luật ngày 28/5, sau đó nói chuyện với Biden và bỏ phiếu về thỏa thuận vào ngày 31/5.
Theo Reuters, thỏa thuận ngăn chặn vụ vỡ nợ gây bất ổn về kinh tế, miễn là nó thành công trong việc thông qua Quốc hội bị chia rẽ trong gang tấc trước khi Bộ Tài chính thiếu tiền để thực hiện nghĩa vụ, điều mà Bộ đã cảnh báo nước Mỹ vỡ nợ nếu không đạt được thỏa thuận trần nợ.
Bế tắc kéo dài về việc tăng trần nợ khiến thị trường tài chính hoang mang, đè nặng lên cổ phiếu và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục trong một số đợt bán trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng vỡ nợ gây ra hậu quả nặng nề hơn, khả năng đẩy quốc gia vào suy thoái, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.
Tổng thống Joe Biden trong nhiều tháng từ chối đàm phán với McCarthy về việc cắt giảm chi tiêu trong tương lai, yêu cầu các nhà lập pháp trước tiên thông qua mức tăng trần nợ "sạch" mà không kèm theo các điều kiện khác, đồng thời trình bày đề xuất ngân sách năm 2024 để chống lại ngân sách của ông đã ban hành vào tháng 3.
Thị trường biến động
Theo các chuyên gia, thử thách của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nghị sĩ Kevin McCarthy chưa kết thúc. Chủ tịch Hạ viện Mỹ còn rất ít thời gian để viết thành luật, trong khi ông cần 72 giờ để các thành viên Hạ viện đọc được nó, việc thông qua Hạ viện và Thượng viện mất thêm vài ngày.
Điều đó đồng nghĩa với việc MCCarthy còn rất ít thời gian, trong khi Bộ Tài chính cảnh báo chính phủ liên bang không thể thanh toán tất cả hóa đơn sau ngày 5/6.
Amo Sahota - giám đốc tại KlarityFX - cho biết: “Việc đạt được thỏa thuận trần nợ khá tốt cho thị trường, có thể thêm lý do để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cảm thấy tự tin về việc tăng lãi suất lần nữa. Nếu đạt được thỏa thuận, Bộ Tài chính dự kiến lấp đầy các kho bạc rỗng bằng việc phát hành trái phiếu, hút hàng trăm tỷ USD tiền mặt từ thị trường".
Ông Joe Biden và Kevin McCarthy còn phải giải quyết nhiều vấn đề trước thị trường biến động. |
Theo ước tính của JPMorgan, việc tăng trần dự kiến thực hiện bằng việc phát hành gần 1,1 nghìn tỷ USD tín phiếu Kho bạc (T-bill) mới trong 7 tháng tới. Việc phát hành trái phiếu ở mức lãi suất cao được cho là làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngân hàng, do các khoản tiền gửi do công ty tư nhân và những người khác nắm giữ chuyển sang các khoản nợ chính phủ có mức chi trả cao và tương đối an toàn hơn.
Điều đó làm nổi bật xu hướng rút tiền gửi vốn đã phổ biến, gây thêm áp lực đối với thanh khoản hoặc tiền mặt sẵn sàng cho các ngân hàng, đẩy lãi suất đối với các khoản vay và trái phiếu ngắn hạn lên cao, đồng thời khiến việc huy động vốn trở nên đắt đỏ hơn đối với các công ty vốn đã quay cuồng với lãi suất cao.
Một chiến lược gia của BNP ước tính khoảng 750-800 tỷ USD có thể chuyển ra khỏi các công cụ giống như tiền mặt, chẳng hạn như tiền gửi ngân hàng và giao dịch tài trợ qua đêm với Fed.
Alex Lennard - giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản toàn cầu Ruffer - cho biết: “Mối quan tâm của chúng tôi là nếu thanh khoản bắt đầu rời khỏi hệ thống, vì bất kỳ lý do gì cũng tạo ra môi trường khiến thị trường dễ bị sụp đổ. Đó là nơi trần nợ có vấn đề”.
Tuy nhiên, sự cạn kiệt về thanh khoản không phải điều chắc chắn. Việc phát hành tín phiếu kho bạc có thể được hấp thụ một phần bởi các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ. "Trong trường hợp đó, tác động đối với thị trường tài chính rộng lớn hơn có thể sẽ tương đối im lặng", Daniel Krieter - giám đốc chiến lược thu nhập cố định, BMO Capital Markets - nói.
Ông nói thêm rằng giải pháp thay thế, trong đó sự cạn kiệt thanh khoản đến từ dự trữ của các ngân hàng có thể đo lường được nhiều hơn đối với các tài sản rủi ro, đặc biệt là vào thời điểm bất ổn gia tăng trong lĩnh vực tài chính.
Trong khi đó, một số chủ ngân hàng cho biết họ lo ngại thị trường tài chính có thể không tính đến rủi ro rút cạn thanh khoản từ dự trữ của các ngân hàng.
“Thị trường tín dụng đang định giá một nghị quyết ở Washington, vì vậy nếu nghị quyết đó không được đưa ra vào đầu tuần tới, nó sẽ xảy ra biến động”, Maureen O'Connor, người đứng đầu toàn cầu về nợ cấp cao tại Wells Fargo, cho biết.