2015 là một năm khó khăn của ngành viễn thông Việt Nam nhưng 3 thương hiệu Viettel, MobiFone, VinaPhone đều tăng mạnh về giá trị theo đánh giá của Brand Finance. Vì sao vậy?
Khi đánh giá thương hiệu, các tổ chức như Brand Finance (công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, trụ sở chính tại Anh) không chỉ dựa vào năm gần nhất mà quá trình phát triển 5-10 năm liên tục của công ty đó. Thương hiệu được định giá không chỉ trong hiện tại mà còn ở khả năng có thể sinh lời trong tương lai.
Tháng 6/2015, Brand Finance đánh giá thương hiệu của Manchester United là 1,2 tỷ USD - đứng đầu trong mọi thương hiệu thể thao trên thế giới dù 2 năm gần đó, MU trắng tay về danh hiệu. Khả năng tiếp tục mời gọi tài trợ, sức hút người hâm mộ vẫn lớn trong tương lai là những lý do khiến MU tiếp tục thống trị bảng xếp hạng các thương hiệu thể thao trong lĩnh vực bóng đá.
Trong số 3 thương hiệu viễn thông Việt có tăng trưởng rất mạnh về giá trị, Viettel được định giá tới gần 1 tỷ USD (973 triệu). Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Năm 2015, Brand Finance chỉ định giá một thương hiệu Việt Nam ở mức tỷ USD là Vinamilk. Năm nay, Viettel được định giá xấp xỉ mức tỷ USD (973 triệu).
Tuy nhiên, để đánh giá về con số tỷ đô đó có ý nghĩa như thế nào thì cần phải so sánh trong bối cảnh của ngành nghề, bối cảnh cạnh tranh… và so sánh với ai. Ở đây, trong ngành viễn thông Viettel là thương hiệu có giá trị nhất.
Người tiêu dùng mua hàng bị chi phối bởi nhiều yếu tố như giá cả, chất lượng, phân phối và uy tín thương hiệu... Khi một thương hiệu vượt được ngưỡng niềm tin về các đặc tính vật lý để người tiêu dùng có thể chọn lựa ngay khi nghe tên thì đó là dấu hiệu của một thương hiệu mạnh.
Không phải khách hàng khi nào cũng hiểu rõ ngọn ngành chức năng một sản phẩm dịch vụ. Trong trường hợp như vậy uy tín tên thương hiệu sẽ là một yếu tố rất quan trọng để họ cảm thấy tự tin với sự lựa chọn của mình.
Việc đầu tư ra nước ngoài có tác động như thế nào đến việc định giá thương hiệu?
Trên thế giới, các công ty định giá thương hiệu nổi tiếng có các tiêu chí riêng nhưng khả năng mở rộng và phát triển ra toàn cầu là một tiêu chí để đánh giá sức mạnh thương hiệu. Nếu tầm ảnh hưởng của thương hiệu vượt khỏi biên giới quốc gia càng rộng bao nhiêu thì sức mạnh của anh cũng được đánh giá tốt lên tương ứng.
Trong số các thương hiệu Việt Nam nói chung, không riêng ngành viễn thông, Viettel là công ty hiếm hoi đầu tư ra nước ngoài thành công và điều này đóng góp cho việc gia tăng giá trị thương hiệu là đương nhiên. Thực tế, một ngành có hàm lượng trí tuệ công nghệ cao như viễn thông thì đi ra nước ngoài và thành công sẽ có điểm cộng giá trị cao.
Theo đánh giá của Brand Finance, trong các thương hiệu viễn thông khu vực ASEAN, các công ty Việt Nam tăng rất mạnh về giá trị so với các hãng khác trong khu vực. Điều này nói lên điều gì thưa ông?
Các tổ chức đánh giá giá trị thương hiệu có tiêu chí của riêng họ để đưa ra tiêu chí đánh giá phù hợp. Việc giá trị của các công ty viễn thông Việt Nam tăng giá mạnh so với các hãng trong khu vực là chính xác ở mức độ nào chúng ta hoàn toàn không có cơ sở dữ liệu phân tích để đánh giá.
Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sức mạnh thật sự của các công ty viễn thông là tỷ lệ giá trị thương hiệu (Brand value) chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm so với tổng giá trị doanh nghiệp (Interprise value). Tỷ lệ giá trị vô hình của thương hiệu càng cao thì sự bền vững và cơ hội phát triển càng lớn. Thông thường tỷ lệ này của các thương hiệu nước ngoài là khoảng 40%-60% tuỳ ngành nghề.
Ông đánh giá như thế nào về 3 thương hiệu viễn thông Viettel, MobiFone VinaPhone?
Tôi không có ý kiến đánh giá gì về khía cạnh chuyên môn. Qua những gì thấy được trên thị trường thì năng lượng thương hiệu của Viettel thường được duy trì liên tục về sự năng động và đổi mới, tiếp đến là MobiFone và sau đó là VinaPhone.