Hô biến thành gạo Trung Quốc
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Trung bình hằng năm (cả xuất chính ngạch và tiểu ngạch), Trung Quốc nhập trên 3 triệu tấn, chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là, dù nhập của Việt Nam hàng triệu tấn gạo, nhưng thương hiệu, tên tuổi gạo Việt tại các siêu thị Trung Quốc gần như “vắng bóng”.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cả gạo thơm cao cấp và gạo trắng thông thường. “Tuy nhiên, nhiều thương nhân Trung Quốc, sau khi nhập gạo của Việt Nam về họ đấu trộn với gạo của họ, đánh bóng, đóng bao với thương hiệu của họ. Đây là việc khá phổ biến. Vì thế, người tiêu dùng Trung Quốc ăn gạo Việt nhưng không biết nó xuất xứ từ Việt Nam”- ông Năng nói.
Còn ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Công Bình (Long An) - một trong số ít doanh nghiệp đang mở rộng vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP cho rằng, do không có thương hiệu, gạo Việt xuất ra thế giới với giá thấp, rất chua xót. Để tạo thương hiệu gạo riêng cho doanh nghiệp, nhiều năm nay, ông Bình đã liên kết với nông dân, nhà khoa học, nhà nước với quyết tâm gạo tiêu chuẩn quốc tế.
“Hiện gạo của doanh nghiệp Công Bình đã xuất đi trên 10 nước, từ châu Âu, Mỹ, Á... Năm 2015, chúng tôi xuất được khoảng 50 nghìn tấn, nhưng gạo thương hiệu chỉ chiếm 5% và đó là sự phấn đấu rất lớn. Giá gạo chúng tôi không bán với giá 500-600 USD/tấn như nhiều người nghĩ, mà bán tới 700 USD/tấn. Thế nhưng, giá đó, so với gạo của Thái Lan còn thấp hơn 100 USD/tấn”- ông Bình nói.
Theo ông Bình, từ trước tới nay, Việt Nam xuất khẩu chạy theo số lượng, cứ bán được nhiều là mừng. Bây giờ chúng ta mới bắt đầu xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, chậm nhất trong khu vực. “Để làm được thương hiệu, tìm kiếm thị trường, chúng tôi đã tự mày mò, vận động, thay đổi tư duy, cách làm, sản xuất theo tiêu chí quốc tế - Global GAP. Chúng tôi trân trọng từng lô gạo, bao hàng, hợp đồng và quyết tâm làm bằng được”- ông Bình nói.
Chủ doanh nghiệp Công Bình cũng cho biết, muốn xây dựng thương hiệu gạo, cần hoàn thiện mô hình cánh đồng lớn để tạo vùng nguyên liệu sạch cho xuất khẩu. “Tôi thấy ở Thái Lan họ chỉ cần xây dựng dưới 10 thương hiệu gạo, còn ở Việt Nam đưa ra khoảng 100 thương hiệu gạo là quá nhiều. Cùng đó, cần xây dựng bộ quy chuẩn gạo xuất khẩu, các bộ giống lúa tốt…Như thế xây dựng thương hiệu mới bền vững, lâu dài được”- ông Bình nói.
Phụ thuộc và tiềm ẩn rủi ro từ Trung Quốc
Xuất gạo những tháng đầu năm của Việt Nam có nhiều tín hiệu khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Số hợp đồng năm cũ với Philippines và Indonesia phải giữa tháng 3 tới mới giao hết. Theo VFA, do tác động của hạn hán, El Nino, những thị trường lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia… nhiều khả năng sẽ mua tiếp để ổn định lương thực trong nước. Ngoài ra, thị trường châu Phi cũng có nhu cầu lớn về gạo 25% tấm… Tính từ đầu năm đến 18/2, cả nước đã xuất gần 600 nghìn tấn gạo, giá trị trên 240 triệu USD (giá FOB).
VFA nhận định, năm 2016 và nhiều năm tới, Trung Quốc tiếp tục là một trong những thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang)- đơn vị chủ yếu xuất khẩu gạo chính ngạch cho Trung Quốc qua đường biển cho biết, nhu cầu gạo thơm của Trung Quốc đang tăng. “Đầu năm chúng tôi đang xuất sang Trung Quốc bằng đường biển khoảng 30 nghìn tấn ký trước Tết, dự kiến sản lượng năm nay trên 100.000 tấn”- ông Đôn nói.
Bà Vượng, một thương nhân chuyên xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ở Lào Cai cho biết, gạo xuất đường chính ngạch “đóng băng” nhiều tháng nay. Trong khi đó, gạo xuất tiểu ngạch thì tậm tịt do phụ thuộc vào “thời tiết” đường biên. Xác nhận với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết, hiện xuất khẩu gạo chính ngạch qua đường bộ với Trung Quốc đang “bị tắc”. Còn đường tiểu ngạch cũng “sớm nắng chiều mưa”, doanh nghiệp có thể gặp rủi, bị ép giá.
Theo một lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu gạo với Trung Quốc đang gặp phải vấn đề khử trùng, kiểm dịch thực vật. Trong nghị định thư trước đó, phía bạn chỉ chấp nhận cơ quan khử trùng (các lô hàng trước khi xuất khẩu) là cơ quan của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam gần 30 cơ sở hoạt động khử trùng đã được xã hội hóa, tư nhân đầu tư”, vị này lưu ý .
Ông Lê Văn Bảnh cho biết, giá gạo xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, tuy nhiên cơ cấu về chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển hướng. Năm 2015, gạo thơm cao cấp chiếm trên 20%, gạo trắng hạt dài giá cao cũng chiếm gần 30%. “Dù phải cạnh tranh rất quyết liệt với các nước như Thái Lan, Ấn Độ… nhưng phân khúc này, các doanh nghiệp cạnh tranh được, nếu họ khéo léo tìm những thị trường tốt”- ông Bảnh nói.